Tin vui đến với chúng ta trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch tỉnh). Đường mới đã mở, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra lúc này là tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch để thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, toàn diện, bền vững.
Thời cơ bứt phá
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh đầu tuần này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, việc quy hoạch tỉnh được phê duyệt là điều rất quan trọng, nó giống như mở ra cánh cửa rất lớn để thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh, nâng cao vị thế của tỉnh, là thời cơ để chúng ta đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng KT – XH.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang vừa đưa mô hình hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS) trị giá hơn 6 tỷ đồng vào giảng dạy.
Cắt nghĩa thêm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nói rằng, nhìn vào quy hoạch, các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh, khả năng kết nối của Bắc Giang, nhìn thấy tương lai của chúng ta để họ bỏ vốn đầu tư. Do vậy thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh tới đây sẽ tiếp tục khởi sắc.
Tại sao nói quy hoạch tỉnh tạo ra thời cơ để bứt phá? Vậy có thể hỏi khi chưa có quy hoạch tỉnh thì sao? Trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019, quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu được thực hiện theo nhiều quy định của pháp luật có liên quan; quy hoạch có nhiều bất cập, chất lượng hạn chế, thiếu gắn kết, nhất là khi xử lý các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng.
Công tác quản lý quy hoạch, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cũng chưa được quy định rõ ràng, chế tài xử phạt các vi phạm trong công tác quy hoạch chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng thực hiện không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến còn tình trạng “quy hoạch treo”, gây lãng phí nguồn lực phát triển.
Từ thực tế trên, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành và có hiệu lực đã tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất trong công tác xây dựng, thực hiện và quản lý quy hoạch. Quy hoạch tỉnh được xây dựng là một bước đột phá trong công tác xây dựng và quản lý quy hoạch. Do đây là lần đầu tiên cả nước triển khai xây dựng quy hoạch tích hợp (tức là tất cả nội dung quy hoạch các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh được thể hiện trong quy hoạch tỉnh) theo quy định của Luật Quy hoạch.
Với đòi hỏi như vậy nên trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhận thức rõ vấn đề này, tỉnh đã tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Quan điểm chỉ đạo là “ý tưởng từ trên xuống, cụ thể từ dưới lên”, do đó, trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Việc này để bảo đảm rằng, trong quá trình xây dựng quy hoạch có sự tham gia rất chặt chẽ của cấp cơ sở. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nên công tác lập quy hoạch của tỉnh đã bảo đảm tiến độ đề ra, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bức tranh tương lai là gì?
Tin vui là tỉnh đầu tiên được phê duyệt quy hoạch, song chất lượng quy hoạch và việc triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả mới là điều vui hơn. Như nêu ở trên, chất lượng quy hoạch thể hiện ở chỗ bảo đảm được sự thống nhất, đồng bộ về nội dung và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện sau này, tránh để “quy hoạch treo”, gây lãng phí nguồn lực phát triển.
Dây chuyền kiểm tra sản phẩm tại Công ty TNHH Daeyang Hà Nội, Cụm công nghiệp Đồng Đình (Tân Yên).
Nhìn vào quy hoạch tỉnh thấy rõ được ý chí, khát vọng vươn lên của Bắc Giang với mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Còn lộ trình đến năm 2050, tỉnh phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững.
Theo đó, tỉnh xác định công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện và thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.
Bức tranh tương lai trên được xây dựng bằng tư duy đột phá, với cách làm “ý tưởng từ trên xuống, cụ thể từ dưới lên”, tranh thủ tối đa ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhân dân. Trên cơ sở đó, quy hoạch tỉnh xác định ba khâu đột phá, đó là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính.
Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên.
Tổ chức thực hiện càng sớm càng tốt
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương về triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh. Theo quy định của Luật Quy hoạch, sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải tiến hành đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Báo Bắc Giang và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Đồng chí Lê Ánh Dương yêu cầu Sở KH&ĐT chuẩn bị các điều kiện để ngày 1/3/2022 tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và triển khai kế hoạch thực hiện. Đồng chí lưu ý, quy hoạch tỉnh triển khai sớm tháng nào thì có lợi tháng đấy. Chúng ta không chỉ đi trước các tỉnh trong việc hoàn thành xây dựng quy hoạch mà còn phải phấn đấu đi trước trong việc tổ chức thực hiện để phát huy được hiệu quả quy hoạch, biến quy hoạch từ tầm nhìn trên giấy trở thành động lực phát triển KT – XH để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi, toàn tỉnh được hưởng lợi.
Theo Trần Đức/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/378613/tao-dong-luc-moi-cho-phat-trien.html