Ngay sau kì nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, nhiều công ty thức ăn chăn nuôi đã công bố giá bán mới với mức điều chỉnh tăng từ 200 - 300 đồng/kg. Trong bối cảnh giá lợn, gà vẫn ở mức thấp, thị trường tiêu thụ chậm, việc các doanh nghiệp đồng loạt thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi khiến nhiều người nuôi lo lắng vì nguy cơ lỗ. Giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu tiếp tục được các chuyên gia khuyến nghị.
Thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng giá mới?
Ngày 11/2, Công ty CP MMS Feed (hệ thống Nhà máy Proconco & Anco) thông báo đến khách hàng điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi kể từ ngày 16/2 tới. Theo đó, thức ăn nuôi lợn và gà thịt tăng thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và lợn con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg. Tương tự, Công ty TNHH De Heus cũng thông báo tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà; tăng 240 đồng/kg thức ăn dành cho lợn con và gia cầm đẻ; tăng 200 đồng/kg cho các loại thức ăn còn lại, không áp dụng cho thức ăn thủy sản. Mức tăng này áp dụng cho khách hàng phía Nam từ tỉnh Quảng Trị đến Cà Mau. Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng gửi thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi cho tất cả các dòng sản phẩm của công ty lên 300 đồng/kg, áp dụng từ ngày 18/2. Lý do Công ty CJ Vina Agri đưa ra là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động. Việc tăng giá này nhằm ổn định chất lượng sản phẩm.
Giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn ở mức cao
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, về nguyên lý, khi giá thức ăn chăn nuôi đầu vào tăng thì giá đầu ra sẽ tăng tương xứng, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, mặc dù giá nguyên liệu thức ăn thế giới tăng rất cao, có thời điểm tăng tới 30% đến 40%, tuy nhiên, do các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cạnh tranh lẫn nhau nên giá bán ra chưa tương xứng với mức tăng của thế giới. "Hiện, giá nguyên liệu thức ăn tăng nên giá thức ăn thành phẩm tăng là điều tất yếu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi, trong đó đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng đến mức độ nào thì còn phụ thuộc vào cung cầu đầu ra của sản phẩm", ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định.
Tại Việt Nam chi phí thức ăn chiếm khoảng từ 65 - 70% giá thành chăn nuôi (tùy thuộc đối tượng vật nuôi) nên khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục trong thời gian qua, trong khi giá lợn, gà xuất chuồng vẫn đang ở mức thấp, nhu cầu tiêu thụ thịt chưa nhiều, sau Tết nhiều doanh nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể... chưa hoạt động trở lại bình thường đã gây áp lực rất lớn đối với người nuôi.
Cần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu
Hiện cả nước có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó, sản lượng lớn tập trung vào nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, lên đến 70% đến 80% với các mặt hàng ngô, lúa mì, đậu tương.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu các loại về Việt Nam trong năm 2021 đạt trên 4,93 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2020. Như vậy, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm qua cao hơn năm 2020 tới hơn 1 tỷ USD (năm 2020 đạt 3,841 tỷ USD) và là mức cao nhất trong lịch sử nhập khẩu nhóm hàng này. Các thị trường chủ yếu cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam là Argentina, Mỹ, Brazil và EU. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ Argentina, đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 33,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của cả nước, tăng 7,8% so với năm 2020.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua là do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, nguồn cung trong nước hạn chế, chi phí vận chuyển tăng cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm. Biến đổi khí hậu đã làm một số nước là đối tác cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính cho Việt Nam như Mỹ, Argentina, Brazil,… bị khô hạn nên diện tích ngô, lúa mì, đậu tương phải thu hẹp làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và giá. Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam đối với chuyên gia và doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi về nhu cầu của một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong năm 2022 cho thấy có xu hướng tăng lên trong nhu cầu đối với thủy sản, lợn và gia cầm, trong đó thủy sản là phân khúc được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Còn theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ là khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.
Trước bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho rằng, giải pháp trước mắt, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để có thể thay thế 1 phần nguồn nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần thực hiện quản trị tốt nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi…
Về các giải pháp lâu dài, cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường nhất định; tiến hành đàm phán với các nước xuất khẩu lớn sang Việt Nam để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên nguồn cung cho Việt Nam; nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa nói chung trong đó có thức ăn chăn nuôi… Đặc biệt, cần nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước. Chính phủ cần tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi một cách bài bản, đồng bộ.
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa đều tăng phi mã, việc giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là khó khăn chung của doanh nghiệp sản xuất thức ăn và người chăn nuôi. Các chuyên gia cho rằng, việc cân đối làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên là việc cần phải làm. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chia sẻ với doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, không tăng giá sốc. Bởi lẽ nếu giá cám quá cao, người chăn nuôi không mặn mà tái đàn, tăng đàn thì doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngoài ra có thể mất khách hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng kỳ vọng tổng cầu thực phẩm trong thời gian tới tăng lên, đặc biệt, trong quý II và quý III/2022 tới đây khi du lịch, các trường học, bếp ăn tập thể... quay trở lại hoạt động bình thường... sẽ đẩy giá thực phẩm chăn nuôi trong đó có thịt, trứng, gia cầm tăng lên, giảm khó khăn cho người chăn nuôi.
Riêng trong năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh khoảng 7 đến 8 lần với tổng mức tăng khoảng 30%. |
Theo Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/thuc-an-chan-nuoi-sap-tang-gia-moi-171976.html