Bước vào phiên giao dịch đầu tuần 19-7, sắc đỏ bao phủ khắp sàn giao dịch. Số mã chứng khoán rớt giá đang chiếm áp đảo. Áp lực bán dồn vào cổ phiếu thuộc nhóm hàng tiêu dùng, tài chính, năng lượng. Cổ phiếu dược phẩm được mua vào.
Chứng khoán lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần ngày 19-7. Trong ảnh: nhà đầu tư theo dõi thị trường vào một phiên giảm điểm - Ảnh: BÔNG MAI
Đầu phiên giao dịch hôm nay khối ngoại mua ròng nhẹ. Tuy nhiên sau đó đã chuyển sang bán ròng.
Nhiều ngân hàng lớn cũng đang chịu áp lực cổ phiếu rớt giá, nổi bật là Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), BIDV (BID), VPBank (VPB), VietinBank (CTG)...
Sức ép bị bán cổ phiếu diễn ra trên diện rộng, rơi vào nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác nhau, trong đó có Vingroup (VIC), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Vinhomes (VHM), PetroVietnam Gas (GAS), Thế giới di động (MWG)...
Dù dòng tiền vẫn chảy vào một số cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hóa lớn, tuy nhiên thanh khoản vẫn yếu. Hiện các cổ phiếu đang nhận được lực mua vào là MSN (Masan), Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC), Tập đoàn Hà Đô (HDG), Công ty cổ phần Phú Tài (PTB)...
Giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cổ phiếu của doanh nghiệp dược phẩm được săn đón, tăng giá, điển hình như TRA (Traphaco), IMP (Dược phẩm Imexpharm), DMC (Xuất nhập khẩu y tế Domesco)...
Xét theo lĩnh vực, trong khi chỉ số của cổ phiếu nhóm chăm sóc sức khỏe có diễn biến tăng trưởng nhẹ, thì chỉ số cổ phiếu nhóm tài chính, năng lượng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng... lại bị giảm.
Sau 45 phút giao dịch, VN-Index giảm hơn 38,07 điểm (-2,93%) xuống 1.261,23 điểm. Sau đó đã xuất hiện lực cầu tương đối, rút ngắn mức giảm, tuy nhiên thị trường vẫn tiếp tục giằng co trong sắc đỏ. Trong lúc đó, cả sàn HNX và UPCom đều giảm điểm.
Hạn chế mua đuổi, bắt đáy
Về diễn biến trong phiên đầu tuần này, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng chỉ báo tâm lý đã có dấu hiệu cải thiện nhẹ từ vùng bi quan quá mức cho thấy tâm lý ngắn hạn đã giảm bi quan hơn, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao và dòng tiền ngắn hạn chưa có dấu hiệu quay lại thị trường.
Ngoài ra, thị trường vẫn có khả năng sẽ xuất hiện các nhịp giảm mạnh nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng mạnh của thị trường, đặc biệt thị trường vẫn đang tìm vùng cân bằng nên thanh khoản có khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát thị trường hoặc nếu nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể xem xét mua với tỉ trọng thấp dưới 20% để thăm dò cơ hội ngắn hạn. Các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn chưa nên sử dụng đòn bẩy ở giai đoạn này.
Riêng nhà đầu tư trung hạn có thể chuyển từ chiến lược mua và nắm giữ, sang nắm giữ.
Phía Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng nhà đầu tư cần hạn chế bắt đáy khi thị trường chưa có một dấu hiệu hồi phục đáng tin cậy nào.
Chứng khoán Asean nhận định mặc dù đã có tín hiệu cho thấy thị trường đang tạo đáy ngắn hạn, tuy nhiên việc hình thành một xu thế tăng rõ ràng hơn rất cần một hoặc một vài nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt và điều này chưa xảy ra. Do đó, thị trường có thể vẫn sẽ dao động giằng co trong biên độ hẹp, trước khi có xu thế mới được xác lập rõ ràng hơn.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ap-luc-ban-bao-phu-san-chung-khoan-2021071910090216.htm