Trong bối cảnh dịch COVID-19 ‘hoành hành’, tỉnh Bắc Giang vẫn tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa) và thu về 6.821 tỉ đồng.
Người dân Lục Ngạn xếp hàng chờ cân vải thiều - Ảnh: H. THẮNG
Ngày 9-7, ông Phan Thế Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết tỉnh vừa có báo cáo tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều.
Theo ông Tuấn, mùa vải thiều năm nay được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây nhưng lại diễn ra trong bối cảnh "làn sóng" COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, trong đó Bắc Giang là tâm dịch lớn nhất của cả nước, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.
Song tỉnh Bắc Giang cùng các Bộ, ngành, các doanh nghiệp và người dân đã chủ động xúc tiến thương mại, điều hành linh hoạt cả 3 kịch bản, phương án tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch COVID-19 "hoành hành" trong suốt thời gian thu hoạch.
Vì vậy tỉnh Bắc Giang vẫn tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa) và thu về 6.821 tỉ đồng (tương đương với doanh thu năm 2020 là 6.830 tỉ đồng).
"Mặc dù trước những diễn biến bất lợi do dịch COVID-19 gây ra, giá vải thiều vẫn luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, giá vải thiều cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch, giá bán bình quân của cả vụ ước đạt 19.800 đồng/kg.
Vải thiều năm nay được người tiêu dùng tại các thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức và một số nước EU, khu vực Trung Đông và tại Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á đánh giá cao về chất lượng, được đón nhận.
Giá bán vải thiều xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động 30.000 - 55.000đ/kg, tại một số thị trường nước ngoài như Nhật Bản, EU có giá bán rất cao, khoảng 350-450.000đ/kg và tiêu thụ thuận lợi" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, để có một mùa vụ thành công trên mọi phương diện trong bối cảnh dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang đã chủ động, quyết liệt, sáng tạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
"Phải đặc biệt quan tâm, coi trọng chất lượng, phẩm cấp của sản phẩm, coi đây là yếu tố ‘sống còn’ của sản phẩm, sản xuất sản phẩm an toàn, phù hợp với các phân khúc thị trường, đặc biệt hướng đến thị trường khó tính để khẳng định thương hiệu, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh" - ông Tuấn nhấn mạnh.
"Tỉnh đã chủ động, tập trung nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các kênh phân phối, tạo thị trường vững chắc cho sản phẩm vải thiều. Đặc biệt, tỉnh chú trọng đến thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.
Qua kinh nghiệm của việc tiêu thụ vải thiều vừa qua cho thấy, nếu thị trường trong nước mà được khai thác tốt có ý nghĩa rất quan trọng. Năm 2021 trong bối cảnh rất khó khăn của dịch COVID-19 nhưng Bắc Giang đã tiêu thụ được trên 60% sản lượng vải thiều ở thị trường trong nước" - ông Tuấn chia sẻ.
Theo Chí Tuệ/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/bat-chap-covid-19-bac-giang-van-ban-het-215-000-tan-vai-thieu-thu-hon-6-800-ti-dong-20210709100930558.htm