Tốc độ tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng nhanh hơn so với mặt bằng chung và có khoảng 10 nhà băng xin nới tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.
Một số ngân hàng đang xin cấp hạn mức tín dụng ẢNH: NGỌC THẮNG
Dè sẻn cho vay
Theo Tổng cục Thống kê báo cáo 6 tháng đầu năm 2021, tính đến thời điểm 21.6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%).
Thế nhưng, nhiều ngân hàng (NH) đã vượt mức tăng trưởng tín dụng chung của ngành và ngấp nghé chỉ tiêu được giao. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu từ đầu năm nhóm NH quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank từ 6,5 - 7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%; đặc biệt MB, VPBank, Techcombank được cấp chỉ tiêu tín dụng khá cao là 10,5 - 12%, trong khi các NH thương mại còn lại như VIB, ACB, Sacombank là 8,5 - 9,5%...
Tuy nhiên, có NH chỉ hết quý 1 tăng tín dụng mạnh, chạm mức chỉ tiêu được giao. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng quý 1 của MSB lên 9%, dự kiến trong năm nay là 25%; Sacombank tăng 5,8%; MB tăng tín dụng 8,4%...
Trung tâm nghiên cứu kinh tế - NH TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) lý giải tình trạng hết “room” sớm là do mặt bằng “room” tín dụng được NHNN cấp cho các NH vào đầu năm thấp hơn tổng thể các năm trước. Thường thì NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hằng năm tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh và tỷ lệ nợ xấu của các NH.
Những năm gần đây, NHNN thường cấp hạn mức này ban đầu ở mức thấp, sau đó sẽ mở rộng hạn mức tín dụng cho từng NH khi có nhu cầu thường vào cuối năm. Năm nay, nhờ sự phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thuận lợi, tín dụng khởi sắc ngay từ những quý đầu năm. Vì vậy, số NH sắp hết “room” tín dụng xuất hiện nhiều hơn và sớm hơn những năm trước. Ngay từ tháng 4.2021, nhiều NH buộc phải hạn chế giải ngân vì đã tiệm cận hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao. Hiện đã có khoảng 10 NH đã gửi đề nghị xin NHNN sớm nới “room”.
Mỗi nhà băng được giao tăng trưởng tín dụng từ 8 - 12%, nên với con số dư nợ khoảng 200.000 tỉ đồng thì tín dụng của mỗi NH cũng chỉ tăng thêm từ 16.000 - 24.000 tỉ đồng. Do đó những nhà băng có tổng dư nợ tín dụng thấp, dù tốc độ tăng trưởng có cao thì nguồn vốn đưa ra nền kinh tế cũng không quá lớn. Một số NH có tỷ lệ tín dụng gần đụng chỉ tiêu được cấp cho hay đang phải cân đo đong đếm, xem hạn mức tín dụng còn bao nhiêu bên cạnh việc xem xét duyệt hồ sơ cho khách hàng có đủ điều kiện vay hay không.
Tín dụng khan hiếm, lãi suất cho vay sẽ cao
TS Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng NHNN sớm xem xét mở tỷ lệ tín dụng cho các NH để không dẫn đến tình trạng tăng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. Bởi các NH gần chạm chỉ tiêu và chờ đợi xem có được cấp thêm hạn mức tín dụng hay không sẽ dè chừng hơn khi nhận hồ sơ giải quyết của khách. Từ đó, dễ dẫn đến trường hợp NH sẽ lọc khách hàng vay kỹ hơn và tăng lãi suất cho vay để đảm bảo mức lợi nhuận đề ra. Nguyên tắc cái gì khan hiếm thì giá cả phải cao hơn, ở đây tín dụng ít đi thì lãi vay sẽ tăng lên là điều khó tránh khỏi. Nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng lên nữa, thì việc cấp hạn mức tín dụng cho NH để mở rộng cho vay cần được khuyến khích hơn. Biểu hiện rõ nhất là lãi suất cho vay bị đẩy lên từ phía lãi suất huy động rục rịch tăng gần đây. Các NH huy động hiện chậm hơn so với cho vay, nguồn tiền gửi chảy qua các kênh đầu tư cũng như tỷ lệ lạm phát tăng lên nên để ngỏ khả năng tăng lãi suất là khá lớn.
Theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế MSB, ở thời điểm hiện tại, yêu cầu quan trọng của Chính phủ đang là ổn định vĩ mô, trước hết phải ổn định thị trường tài chính tiền tệ. Hạn mức tín dụng đang là một trong những công cụ hiệu quả để NHNN bình ổn thị trường tiền tệ. Kinh tế Việt Nam đang dựa chủ yếu vào tín dụng (bằng khoảng 140% GDP), nếu không kiểm soát tăng trưởng tín dụng, khả năng nợ xấu sẽ tăng không thể lường được, gây ra những bất ổn vĩ mô.
“Việc giới hạn tỷ lệ tín dụng cho mỗi NH là không hợp lý. NHNN chỉ nên quản lý tăng trưởng tín dụng tổng thể của ngành, như năm nay là 12%. Còn tín dụng của từng NH được quản lý theo các chỉ số như thanh khoản, an toàn vốn, tỷ lệ cho vay trên huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn... Các NH nào tuân thủ đủ các chỉ tiêu thì tỷ lệ tăng trưởng bao nhiêu cũng được, lên 20 - 30% cũng không sao”, ông Hiếu góp ý.
Thực ra cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các NH đã có không ít ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người phản đối việc cấp hạn mức tín dụng, cho đây là một công cụ mang tính hành chính. NHNN không cần dùng trần tín dụng mà có thể dùng công cụ khác để kiểm soát lạm phát và lưu lượng tiền tệ như chỉ số LTD (dư nợ tín dụng/vốn huy động), chỉ số thanh khoản, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, hệ số an toàn vốn. Mỗi NH tự điều chỉnh tăng trưởng tín dụng theo khả năng kinh doanh của mình.
Công ty đánh giá tín nhiệm Moody’s cũng từng nhận định hiệu quả chính sách tiền tệ của VN còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH và đặt trần lãi suất cho vay cũng như tiền gửi. Tương tự, IMF cũng cho rằng VN nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng; đồng thời, nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường.
NHNN cho biết trong tương lai có thể xem xét bỏ cơ chế trần tín dụng với điều kiện vốn trung, dài hạn chủ yếu huy động qua thị trường tài chính, chứng khoán, thị trường vốn chứ không phải qua thị trường tiền tệ. Các NH không phải huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như hiện nay.
Theo Thanh Xuân/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nhieu-ngan-hang-xin-noi-ty-le-tang-truong-tin-dung-1406921.html