Trước yêu cầu cấp bách về công tác phòng, chống dịch Covid-19, giữa tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định tạm đóng cửa 4 KCN và dừng hoạt động nhiều DN ở các huyện, TP. Ngày 25/5, tỉnh có kế hoạch tổ chức lại sản xuất an toàn cho các DN trong KCN. Theo đó, có hàng trăm DN bắt đầu hoạt động lại, bước đầu duy trì đơn hàng theo hợp đồng, khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên vẫn cần hỗ trợ bố trí chỗ ở cho công nhân.
Sản xuất gắn với phòng dịch
Gần một tháng qua, sau khi rà soát, tỉnh bước đầu cho phép những đơn vị tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch được sản xuất trở lại. Theo đó, mô hình hoạt động của DN khác trước đây, không chỉ chú trọng phòng dịch bên ngoài mà cả bên trong nhà máy, phân xưởng.
Công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component trở lại làm việc.
Số lượng công nhân làm việc tại DN cũng hạn chế theo tỷ lệ quy định ở từng giai đoạn và được kiểm tra an toàn phòng dịch, tiêm vắc-xin. DN phải bố trí cho người lao động ăn, ở tại công ty hoặc khu ký túc xá tập trung, tuyệt đối không tiếp xúc với bên ngoài. Công nhân đi cùng xe tới phân xưởng làm việc, được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, ngồi giãn cách theo từng nhóm nhỏ.
Thực hiện quy định trên, những ngày này, hàng loạt DN trong KCN từng bước ổn định sản xuất, nhiều dây chuyền khởi động lại gắn với thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Ghi nhận tại Công ty TNHH Siflex Việt Nam, KCN Quang Châu, trong các phân xưởng người lao động khẩn trương hoàn thiện sản phẩm mẫu bản mạch in mềm cho ô tô, điện thoại, máy tính bảng… để kịp giao hàng cho đối tác theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng phòng Hành chính- Nhân sự Công ty cho biết: “Công ty hoạt động trở lại từ ngày 30/5, đến nay đã xuất xưởng hàng nghìn sản phẩm cho đối tác của các tập đoàn ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Trên cơ sở sản phẩm mẫu, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng đặt hàng để Công ty sản xuất hàng loạt. Đây là tín hiệu mừng cho DN bởi không chỉ khôi phục hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động quay lại nhà máy mà còn bảo đảm đơn hàng cho đối tác, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Nhiều DN khác cũng tập trung khởi động lại sản xuất như: Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology, KCN Vân Trung có hơn 1,6 nghìn công nhân đang làm việc trong các phân xưởng; Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu (KCN Quang Châu) có 900 lao động…
Xem xét mượn trường học cho công nhân ở tạm
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, giữa tháng 5 vừa qua trong 4 KCN tỉnh có khoảng 340 DN tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Đến nay, sau một tháng thực hiện kế hoạch tổ chức lại sản xuất, Ban chấp thuận cho 161 DN đủ điều kiện hoạt động lại, trong đó có khoảng 125 công ty đã sản xuất chính thức với hơn 17 nghìn lao động. Những đơn vị này chủ yếu sản xuất, gia công linh kiện điện tử, linh kiện ô tô... Nhiều công ty nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho một số tập đoàn đa quốc gia như: Foxconn, Samsung, Apple…
Các DN tạm dừng hoạt động đã gây thiệt hại lớn về kinh tế. Riêng DN ở KCN không hoạt động khoảng 10 ngày trong tháng 5, mỗi ngày ước thiệt hại 2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm chung của các DN là đều gặp khó trong giai đoạn đầu do số lượng công nhân quay lại làm việc ít, chưa đón đủ như đã đăng ký dẫn đến công suất hoạt động nhỏ, chỉ đạt 10-30% so với thời điểm chưa có dịch.
Khu vực sản xuất của Công ty TNHH Siflex Việt Nam, KCN Quang Châu.
Ông Trác Hiến Hồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuhong Precision Component cho biết, thời điểm này, Công ty có hơn 2 nghìn lao động quay lại làm việc, dự kiến hết tháng 6 đón thêm 2-3 nghìn công nhân để nâng công suất tại các phân xưởng. Khó khăn nữa các DN khi quay lại hoạt động là thiếu chỗ ở cho người lao động tại nơi sản xuất. Trong tỉnh chỉ có các công ty thuộc Tập đoàn Hồng Hải có khu ký túc xá cho công nhân lưu trú, còn lại các đơn vị chủ yếu cải tạo nhà xưởng, văn phòng làm chỗ ở cho người lao động, sức chứa hạn chế.
Xác định việc khôi phục hoạt động của DN nhằm đưa Bắc Giang sang giai đoạn mới, vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, các huyện, TP tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn DN tháo gỡ vướng mắc. Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Nguyễn Xuân Ngọc cho biết, thời gian qua, Ban và 35 tổ công tác của tỉnh tập trung cao hướng dẫn DN xây dựng kế hoạch tổ chức lại sản xuất an toàn.
Liên quan đến việc bố trí chỗ ở cho người lao động, những đơn vị chưa có ký túc xá trước mắt Ban đề nghị khẩn trương cải tạo lại các khu nhà xưởng, văn phòng để ngăn thành các phòng cho công nhân ở lại. Ban đang phối hợp với một số huyện khảo sát một số trường mầm non, tiểu học, THCS đang thời điểm nghỉ hè để trưng dụng, cải tạo cho công nhân ở tập trung tạm thời.
Đồng thời phối hợp với các huyện lập danh sách các khu nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn... chuyển đổi công năng, bảo đảm nơi lưu trú tập trung cho người lao động. DN sẽ bố trí xe đưa đón và yêu cầu người lao động ăn tại công ty, khi về nơi ở không tiếp xúc với bên ngoài. Về lâu dài, tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức sắp xếp lại nhà trọ gắn với hoạt động của các KCN.
Theo Hải Minh /Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/362865/cong-nhan-bac-giang-tro-lai-lam-viec-an-cu-moi-lac-nghiep-.html