Dừng bay quốc tế, giảm mạnh các chuyến bay nội địa do Covid-19, hàng loạt tàu bay phải nằm "đắp chiếu" tại cảng.
Ám ảnh hàng trăm tàu bay "đắp chiếu" nằm la liệt tại Cảng Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Dừng bay quốc tế, cắt giảm mạnh các chuyến bay nội địa do Covid-19 dẫn tới hàng loạt tàu bay phải nằm "đắp chiếu" tại sân bay.
Tại Việt Nam, số tàu bay của các hãng đến nay là khoảng 230 chiếc, tăng 24 tàu so với năm 2019, tương ứng tăng khoảng 10% đội tàu bay. Hình ảnh ghi nhận tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đầu tháng 6/2021.
Số lượng tàu bay tăng lên nhưng hoạt động khai thác lại sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi Covid-19. Các hãng hàng không nội địa của Việt Nam là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất hiện nay.
Hàng loạt tàu bay nằm la liệt tại sân bay. Nhiều tàu dừng khai thác.
Hình ảnh tương tự diễn ra tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Tại Nội Bài, kể từ sau ngày 1/5, sản lượng chuyến bay, hành khách qua cảng sụt giảm nghiêm trọng. Sản lượng hành khách nội địa giai đoạn tháng 4, đặc biệt cao điểm dịp nghỉ lễ 30/4 tại Nội Bài đạt trung bình mỗi ngày trên 60.000 lượt khách với 500 lượt chuyến bay, ngày cao điểm nhất đạt 78.000 lượt khách nội địa và 530 lượt chuyến bay đi/đến.
Hiện nay, sản lượng chỉ còn trên 5.000 lượt khách, giảm hơn 90% so với trước dịch, các chuyến bay trong ngày trung bình chỉ đạt khoảng 120 chuyến bay bao gồm cả chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế chở hàng.
Các tàu bay nằm trong danh sách tạm dừng khai thác nằm la liệt trong bãi đỗ, động cơ được phủ, dán kít bạt.
Tháng 12/2020, Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận "đường bay vàng" Hà Nội - TPHCM của Việt Nam nằm trong top 2 đường bay nhộn nhịp nhất thế giới, chỉ sau đường bay Seoul - Jeju của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, kể từ khi TPHCM cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 hồi đầu tháng 6 này thì đây lại là đường bay có sản lượng vận chuyển hành khách giảm "sốc" nhất. Nếu như trước kia mỗi ngày chặng Hà Nội - TPHCM có 130 chuyến bay vận chuyển khách khai thác thì nay sản lượng chỉ còn 18 chuyến/ngày.
Hoạt động khai thác tàu bay giảm và tỷ lệ tàu bay đỗ qua đêm của các hãng tăng cao, đặc biệt là nhu cầu đỗ qua đêm tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất - TPHCM (đây là các cảng hàng không có cơ sở bảo dưỡng tàu bay của các hãng hàng không).
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu tối đa hóa phương án bố trí vị trí đỗ tàu bay qua đêm cho các hãng hàng không theo các sân bay căn cứ của các hãng hàng không đã được phê duyệt; bố trí mới các vị trí đỗ tàu bay qua đêm trên các đường lăn đang đóng cửa, các đường lăn ít sử dụng để không/ít ảnh hưởng đến hoạt động khai thác sân bay.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VBA) cho biết, năm nay, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu, lỗ trên 15.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, dự kiến số lỗ của Vietnam Airlines của quý I vừa qua ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.
Hiện tại số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn.
Các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airlines và Vietjet trong năm 2020 đã có gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, dự báo hoạt động sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021, nếu như tình hình Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch bệnh.
Theo Châu Như Quỳnh - Đỗ Linh - Tiến Tuấn/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/am-anh-hang-tram-tau-bay-dap-chieu-nam-la-liet-tai-noi-bai-tan-son-nhat-20210621072716739.htm