Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ các loại hình vận tải đang rơi vào cảnh bi đát khi vì liên tiếp chịu tác động của 4 đợt dịch Covid-19
Là doanh nghiệp (DN) có gần 100 xe chở khách, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt chạy tuyến Lào Cai - Hà Nội), cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, DN gần như "chết lâm sàng" khi chỉ còn 5 xe chạy. DN sống lay lắt nhưng vẫn phải giữ lao động, nếu để họ nghỉ thì khi hoạt động trở lại sẽ rất khó tuyển dụng.
Sát giới hạn mất khả năng thanh toán
Theo vị giám đốc hãng xe Sao Việt, doanh thu sản xuất, kinh doanh gần như bằng 0 nhưng hằng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng; tiền thuê nhà xưởng, kho bãi, tiền lương hỗ trợ cán bộ công nhân viên, lái xe; phí bảo trì đường bộ… Hàng loạt DN vận tải khách đang trong cảnh "thoi thóp". "Trước khi chưa có dịch, trung bình mỗi tháng chúng tôi chi khoảng 3 tỉ đồng tiền lương, thưởng cho lái xe, nhân viên. Tuy nhiên hiện nay, dù không có doanh thu vẫn phải "gánh" gần 1 tỉ đồng/tháng" - ông Bằng nêu.
Không chỉ vận tải đường bộ, thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay đã khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cảnh báo khả năng thanh toán của các DN suy giảm sát giới hạn mất khả năng thanh toán. Đơn cử như Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), dự kiến số lỗ của quý I/2021 ở mức 4.800 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỉ đồng. Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỉ đồng và đang rơi vào trạng thái rất khó khăn. Vietnam Airlines có tới hơn 9.000 người lao động đang trong chế độ nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đang rất khó khăn bởi dịch Covid-19
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng sụt giảm 50% doanh thu vận tải hành khách 5 tháng vừa qua do người dân hạn chế đi lại, ngành đường sắt phải cắt giảm nhiều tàu khách.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết lượng hành khách giảm đến 80%-90%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động khó khăn. Hàng loạt DN taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong hệ thống ngân hàng. Vì vậy mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đã cùng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị hỗ trợ các DN vận tải taxi vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid-19.
Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ
Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các DN vận chuyển nông sản đến những cửa khẩu và giữa các vùng miền trong thị trường nội địa.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), kể từ khi bùng phát dịch, Bộ GTVT đã đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN vận tải gặp khó khăn. Liên quan giải pháp tháo gỡ chu kỳ kiểm định xe, ông Ngọc cho biết Bộ GTVT đang sửa đổi Thông tư số 70/2015 theo hướng sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ôtô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt DN vận tải không lắp camera giám sát do tác động của dịch Covid-19.
Đối với đề xuất miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm nay, ông Ngọc cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thông tư 112/2020 của Bộ Tài chính cho phép giảm mức thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 1-1 đến hết ngày 30-6-2021.
"Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập DN cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch. Bên cạnh đó, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31-12-2021 và không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách. Giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31-12" - ông Ngọc thông tin.
Vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Là DN vận tải hành khách lớn của tỉnh Quảng Ninh, ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên, cho biết DN có trên 300 xe dừng hoạt động nhưng vẫn chưa được miễn phí bảo trì đường bộ vì thủ tục rườm rà. Ví dụ, để được miễn theo quy định của Bộ Tài chính, xe phải dừng hoạt động 30 ngày trở lên, sau đó trả lại phù hiệu và có xác nhận của sở GTVT.
"Có thể dừng chưa đến 30 ngày đã được chạy lại, sau đó phải xin cấp đổi phù hiệu mới. Nhiều DN vẫn phải trả tiền dù xe không chạy vì ngại thủ tục" - ông Xuyên nói.
Theo Văn Duẩn/ NLĐhttps://nld.com.vn/thoi-su/doanh-nghiep-van-tai-thoi-thop-20210619225409796.htm