Đối diện với đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp hàng không đang hết sức khó khăn. Không chỉ cắt giảm nhân sự, hàng loạt các chi phí, đặc biệt là nợ ngân hàng, đang là gánh nặng rất lớn.
Hàng không điêu đứng vì dịch COVID-19, tần suất khai thác đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất giảm mạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nếu dịch tiếp tục kéo dài hoặc những giải pháp hỗ trợ ở tầm quốc gia không tích cực, các hãng bay sẽ lâm nguy, đối mặt với bờ vực phá sản.
Điều quan trọng nhất vẫn là các hãng cần được vay hỗ trợ lãi suất, tiếp đến là miễn, giảm thuế, phí.
Ông BÙI DOÃN NỀ I(tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam)
Hàng không lâm nguy
Bộ Kế hoạch và đầu tư mới đây đã nêu thực trạng cực kỳ khó khăn của các hãng bay Việt Nam. Hãng Vietnam Airlines lỗ quý 1 ở mức 4.800 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỉ đồng. Hiện số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã tới 6.240 tỉ đồng và đang rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn.
Bamboo Airways và Vietjet Air đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một đơn vị kinh doanh dịch vụ hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết doanh nghiệp này đã co kéo bằng tất cả khả năng để hỗ trợ cho các hãng bay về nợ dịch vụ phục vụ chuyến bay.
Thậm chí, có hãng đang gặp khó khăn chưa thể trả nợ hơn 100 tỉ đồng từ tháng 8-2020 đến nay khiến cho doanh nghiệp thiếu hụt nguồn tiền hoạt động. Hãng bay khó khăn chưa có tiền trả, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng lâm nguy.
Các hãng bay cũng thừa nhận đang đối mặt với đợt khủng hoảng chưa có tiền lệ, doanh nghiệp cạn kiệt về nguồn tiền để duy trì khả năng hoạt động vận tải hàng không. Lượng khách đi lại giảm, gần 80% máy bay phải "nằm đất" tạm ngừng hoạt động...
Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở các nước trên thế giới, chưa xác định được thời điểm nối lại đường bay quốc tế và tâm lý khách hàng bị thay đổi do dịch bệnh, hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021.
Đẩy nhanh chính sách hỗ trợ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cho rằng gần 2 năm chống chọi với COVID-19, các hãng bay đã kiệt quệ về tài chính. Nếu dịch tiếp tục kéo dài hoặc những giải pháp hỗ trợ ở tầm quốc gia không tích cực, các hãng bay sẽ lâm nguy trước bờ vực phá sản.
Theo ông Tống, hiện nay vấn đề về dòng tiền rất quan trọng đối với doanh nghiệp khi họ đã xoay đủ cách để duy trì hoạt động khai thác vận tải hàng không trong đại dịch COVID-19. Vài tháng trước, gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua để giải cứu cho Vietnam Airlines nhưng đến nay vẫn đang "mắc kẹt" vì thủ tục.
Ông Tống cho rằng không chỉ Vietnam Airlines, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần phải ưu tiên cho hãng bay tư nhân có khả năng phục hồi nhanh chóng. Trong tình hình khó khăn chung, chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, hệ thống ngân hàng là rất cần thiết để cộng đồng doanh nghiệp có thể tồn tại và phục hồi sau dịch, nhất là chính sách tài khóa.
Đặc biệt, các khoản vay ngân hàng cần được giãn nợ trong một khoảng thời gian đủ dài và doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn để có thể huy động cho sản xuất kinh doanh.
Về phía hãng bay, theo lãnh đạo một hãng hàng không cho biết nếu nhận được sự hỗ trợ như giảm thuế, phí, vay vốn lãi suất thấp... dù doanh nghiệp đang nỗ lực tối ưu chi phí cũng cần Chính phủ ban hành cơ chế bảo lãnh hoặc cho vay thông qua việc giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện hình thức tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với ngành hàng không.
"Chúng tôi đã đề xuất có các giải pháp giảm thuế, phí. Trong đó, đối với ngành hàng không, miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay; miễn giảm từ 50 - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng" - vị lãnh đạo này cho biết.
Ông Bùi Doãn Nề - tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam (VABA) - cho biết đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng trung dài hạn cho các doanh nghiệp hàng không. Hiện Vietnam Airlines đã được duyệt hỗ trợ khoản tín dụng ưu đãi lãi suất.
Do đó, VABA cho rằng cần tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không còn lại, trong đó Vietjet đã đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021 - 2023 bằng lãi suất tái cấp vốn. Bamboo đề nghị vay 5.000 tỉ đồng bằng lãi suất tái cấp vốn và vay lãi suất ưu đãi 5.000 tỉ đồng.
Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam): Gỡ vướng để doanh nghiệp được hỗ trợ sớm nhất Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ theo hướng mở rộng phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ về thuế, phí, vốn vay cho doanh nghiệp là rất cần thiết lúc này. Việc triển khai nhiều gói hỗ trợ trước đây gặp khó khăn, các bộ ngành cần đưa ra giải pháp gỡ vướng để triển khai nhanh chóng, làm sao để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ sớm nhất có thể. Nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa tới được doanh nghiệp do có những khó khăn nằm ở chính sách pháp luật, chẳng hạn gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines. B.NGỌC ghi |
Theo C.Trung/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/can-nhieu-ho-tro-cho-hang-khong-20210617214216548.htm