Các nhà bán lẻ trực tuyến đang đua nhau "tán tỉnh" người tiêu dùng Việt Nam vốn cảnh giác với những hành vi gian lận và cửa hàng từ chối trả hàng.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn rất lớn (Ảnh: Bloomberg).
Bon bon trên chiếc xe máy, Hồ Đức Quang len lỏi qua những con phố đông đúc của TPHCM để giao những món đồ chơi, quyển sách và nhiều đơn hàng khác cho khách hàng của nhà bán lẻ trực tuyến Tiki.
Quang - 25 tuổi - cần phải đi rất nhanh kể từ khi nhà bán lẻ này triển khai dịch vụ giao hàng siêu tốc trong 2 giờ ở khu vực TPHCM. Chàng trai trẻ thường sử dụng AirPods để thông báo cho khách hàng biết khi sắp đến nơi. Nhưng có một thứ khiến tốc độ của anh chậm lại đó là Quang phải đợi khách hàng mở gói hàng và xác nhận mọi thứ trước khi anh phóng xe đi giao đơn tiếp theo. Đây là một thủ tục phải có đối với nhiều khách hàng Việt Nam - những người vẫn chưa chắc chắn liệu họ có thể tin tưởng các sàn thương mại điện tử hay không.
Công việc của Quang ở thành phố 9 triệu dân này là một phần của chiến dịch thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn e ngại với thương mại điện tử. Nhiều người trong số họ thậm chí mới tham gia làn sóng mua sắm trực tuyến lần đầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong một xã hội tiền mặt với chỉ khoảng 1/3 người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, chưa tới 5% có thẻ tín dụng và hầu hết đều mua sắm tại các cửa hàng và chợ truyền thống, bán hàng trực tuyến rõ ràng không phải là việc dễ dàng.
Mặc dù Euromonitor International ước tính thương mại điện tử chỉ chiếm 3% thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2020, mức thấp nhất ở Đông Nam Á, song tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này vẫn rất hấp dẫn. Quy mô kinh tế số hóa của Việt Nam được dự báo tăng trưởng lên 52 tỷ USD vào năm 2025, tăng 29% so với năm 2020, theo một nghiên cứu của Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co.
Cạnh tranh giành khách hàng
Các công ty khởi nghiệp được hậu thuẫn bởi Warburg Pincus LLC, Goldman Sachs Group Inc. và JD.com Inc., hay những "tay chơi" trong khu vực như Shopee của Sea Ltd. và Amazon.com Inc. đều đang nhắm mục tiêu đến tầng lớp trung lưu đang phát triển tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2020, giới đầu tư đã rót 1,9 tỷ USD vào lĩnh vực trực tuyến của Việt Nam, nghiên cứu của Google, Temasek và Bain cho hay.
Ông Ralf Matthaes - Giám đốc công ty nghiên cứu Infocus Mekong Research - nói: "Việt Nam đang ở giai đoạn đầu trong tiến trình trở thành một xã hội số hóa với dân số trẻ yêu thích công nghệ".
Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu mua sắm trực tuyến chiếm 10% doanh số bán lẻ vào năm 2025, riêng tại Hà Nội và TPHCM chiếm tới 50%. Theo đó, Việt Nam muốn giảm thanh toán tiền mặt để tạo ra một nền kinh tế hiện đại và minh bạch hơn bằng cách tăng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt đối với dịch vụ công và cải thiện khuôn khổ pháp lý cho thanh toán điện tử.
Một công ty do Alibaba Group và Baring Private Equity Asia thành lập đang chi 400 triệu USD để mua 5,5% cổ phần tại mảng bán lẻ của Tập đoàn Masan. Ngày 18/5, Masan thông báo sẽ hợp tác với Lazada, nền tảng điện tử thương mại dành cho khu vực Đông Nam Á của Alibaba.
"Sự kết hợp giữa chuyên môn về bán lẻ trực tuyến của Alibaba, nền tảng điện tử thương mại của Lazada và mạng lưới bán lẻ truyền thống hàng đầu của Masan sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình hiện đại hóa lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam", ông Kenny Ho - Giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á của Alibaba - nhận định.
Trước đó, vào tháng 1, M-Service JSC - một công ty khởi nghiệp khác của Việt Nam được hậu thuẫn bởi Goldman Sachs đang điều hành ứng dụng thanh toán MoMo - cũng huy động được hơn 100 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư bao gồm Warburg Pincus.
Lần đầu tiên, người tiêu dùng Việt Nam được trải nghiệm mô hình bán lẻ đặt khách hàng là trên hết đang phổ biến ở các nền kinh tế phát triển. Nhờ đó, hàng chục công ty thương mại điện tử dần xây dựng được lòng tin với tầng lớp trung lưu đang phát triển tại Việt Nam.
Sự hoài nghi của người tiêu dùng
Các nhà bán lẻ trực tuyến đang đua nhau "tán tỉnh" người tiêu dùng Việt Nam vốn cảnh giác với những hành vi gian lận và cửa hàng từ chối trả hàng. "Người Việt thường không tin tưởng vào những gì họ không thể nhìn thấy. Họ luôn muốn nhìn tận mắt những gì họ muốn mua", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Vì vậy, các trang thương mại điện tử thường đưa ra nhiều chương trình khuyến mại - như là với việc giảm giá cho mọi mặt hàng, từ AirPods tới máy giặt Samsung. Công ty khởi nghiệp về ví điện tử thì tặng phiếu mua hàng. Có những đơn vị lại có chính sách đổi trả trong vòng 30 ngày...
Đại dịch Covid-19 được xem là động lực thúc đẩy bán hàng trực tuyến khi kích thích được thêm 30% người Việt Nam mua hàng trên mạng, từ thực phẩm tới đồ điện tử, trong năm ngoái, ông Matthaes cho biết.
Theo ông, làn sóng lây nhiễm gần đây ở nhiều sẽ thúc đẩy thương mại điện tử hơn nữa vì TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác đang phải giãn cách xã hội.
Bức tranh bán lẻ của Việt Nam đang dịch chuyển nhanh hơn các thị trường phát triển khác, theo Jeffrey Perlman - giám đốc Warburg Pincus quản lý khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đã bỏ qua giai đoạn mua sắm theo catalog và các cửa hàng bách hóa độc lập để chuyển dịch sang mô hình bán lẻ hiện đại.
Theo Kim Dung/Dân trí (nguồn Bloomberg)
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cuoc-dua-moc-vi-nguoi-co-tien-cua-cac-ong-lon-o-viet-nam-20210602225251256.htm