Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu các phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3.
Không gây áp lực tăng giá bán điện năm sau
Thông tin trên được ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết.
Theo ông Tuấn, năm 2020 Bộ Công Thương đã hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt. Báo cáo của EVN cho biết, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của 2 đợt trong năm 2020 khoảng 12.300 tỷ đồng.
Trong đó, đợt 1 thực hiện từ ngày 16/4 - 16/7, việc giảm giá điện, giảm tiền điện được áp dụng cho khoảng hơn 27 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền giảm khoảng 9.300 tỷ đồng.
Đợt 2 thực hiện từ tháng 10 - 12/2020, hỗ trợ giảm cho khoảng 25,4 triệu khách hàng sử dụng điện. Số tiền hỗ trợ đợt 2 khoảng gần 3.000 tỷ đồng.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp để không gây áp lực tăng giá điện vào các năm sau.
Ông Tuấn nhấn mạnh, việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đã góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp hoạt động logistics.
"Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu các phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3" - ông Tuấn thông tin.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các Tổng Công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thuộc EVN để không gây áp lực tăng giá điện vào các năm sau.
Khi nào giá điện bán lẻ giảm?
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, hiện nay, giá bán điện được Bộ Công Thương điều hành theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Giá bán điện được tính toán từ các thông số đầu vào của tất cả các khâu như phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá điện được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan các thông số đầu vào của tất cả các khâu nêu trên và phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính toán vào giá bán điện các năm trước, để xác định giá bán điện hiện hành.
Trường hợp có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và có các khoản chi phí khác chưa được tính toán vào giá điện các năm trước dẫn đến làm tăng giá bán điện thì việc điều chỉnh giá điện chỉ được thực hiện khi mức tăng từ 3% trở lên.
Trường hợp biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện các năm trước đã được xử lý dẫn đến làm giảm giá điện thì EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện ở mức tương ứng. Giá bán điện bình quân điều chỉnh phải phù hợp với khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng theo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, hiện nay Bộ Công Thương đang khẩn trương xin ý kiến các bộ ngành, các địa phương về tổng kết công tác thực hiện Luật Điện lực năm 2012, đánh giá toàn diện các hoạt động điện lực trong đó có công tác điều hành giá điện.
Trên cơ sở đó, kiến nghị với Quốc hội để triển khai sửa đổi Luật Điện lực theo hướng sẽ luật hóa việc điều hành giá điện. Nhà nước điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, ban hành các chính sách an sinh xã hội phù hợp và điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, các quỹ…
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/de-xuat-giam-gia-dien-tien-dien-do-anh-huong-covid-19-20210520223014984.htm