Ông Nguyễn Tiến Thỏa, chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: "Mùa nắng nóng tiền điện thường tăng cao hơn trong khi điện đang thừa, người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao không giảm giá điện?".
Năm 2021 điện vẫn chịu sức ép tăng giá - Ảnh: N.AN
Giá mua điện mặt trời giảm khá mạnh, EVN nói gì về khả năng giảm giá điện? Các chi phí khác ngành điện phải gánh như thế nào?
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo quy định trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án điều hành.
Tiêu thụ điện giảm, có chi phí giảm
Ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), cho biết EVN chỉ còn nắm giữ 23% nguồn điện trong toàn hệ thống. Do đó, cơ cấu giá thành của toàn hệ thống phụ thuộc vào nhiều nguồn sản xuất điện khác nhau, tùy vào từng dự án đầu tư, thời điểm, cơ hội đầu tư.
Ông Lâm xác nhận riêng với giá điện mặt trời được Thủ tướng ban hành theo quyết định 11 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời có giá 9,35 cent/kWh (2.086 đồng/kWh) cho tất cả các dự án, thì đến quyết định 13, giá giảm khá mạnh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh (1.644 đồng/kWh) với dự án điện mặt trời mặt đất và 8,38 cent/kWh (1.943 đồng/kWh) với dự án điện mặt trời mái nhà.
Ông Lâm thừa nhận năm 2020 do nhu cầu dùng điện giảm, đặc biệt là tiêu dùng điện sinh hoạt thấp nên tỉ trọng phải huy động nguồn điện giá cao đã giảm. Các nguồn rẻ như thủy điện vẫn chiếm mức cao là 30 - 35%, khiến giá điện EVN bán cho người dân ở mức trung bình thấp hơn giá được phê duyệt năm ngoái.
Áp lực tăng giá
Theo đại diện ban kinh doanh (EVN), hiện trong cơ cấu giá thành điện, chi phí mua điện chiếm từ 76-80%. Mặc dù chi phí sản xuất điện từ các nhà máy của EVN chỉ chiếm từ 9-12% (dù cơ cấu nguồn của EVN chiếm 23%), cho thấy chi phí sản xuất điện của EVN có xu hướng giảm dần, nhưng do các nguồn giá điện rẻ như thủy điện có tỉ trọng trong xu hướng giảm và nguồn khác cơ cấu tăng lên, như điện khí, năng lượng tái tạo, nên chi phí mua điện càng ngày càng tăng.
Đơn cử, giá mua điện mặt trời hiện nay đang áp dụng nhiều mức giá theo quyết định 11 và 13, nhưng bình quân là 1.900 đồng/kWh, giá bán ra cho người tiêu thụ cuối cùng (gồm cả giá truyền tải, chi phí dịch vụ…) là trên 2.000 đồng/kWh.
Trong khi đó, ông Võ Quang Lâm cho hay hiện nay giá bán lẻ điện bình quân được EVN thực hiện theo quyết định 648/2019 của Bộ Công thương phê duyệt tương đương 8 cent/kWh (1.864,44 đồng/kWh).
Do vậy, mặc dù chi phí khâu truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ của EVN giảm nhưng đại diện tập đoàn này cho rằng do cơ cấu nguồn sản xuất chiếm tỉ trọng cao nên cũng khó bù đắp để giảm chi phí nói chung, khi tỉ trọng các nguồn giá cao tăng lên.
Theo Bộ Công thương, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2019 của EVN cho thấy với tổng chi phí của tất cả các khâu phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ, quản lý ngành, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2019 là 1.848,85 đồng/kWh, tăng 7,03% so với năm 2018.
Giá thành khâu phát điện cũng tăng do giá than, giá dầu, giá khí đều tăng. Đặc biệt, khoản chênh lệch tỉ giá chưa hạch toán vào giá thành điện năm 2019 còn tới hơn 9.249 tỉ đồng. Năm 2020, mặc dù tình hình tài chính của EVN đã được cải thiện khi tiếp tục duy trì mức lãi, song các khoản còn treo lại vẫn đang là áp lực lớn.
Nguồn: Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) - Đồ họa: N.KH.
Cần thay đổi cơ chế điều chỉnh giá?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng thông thường trong cơ chế thị trường sản phẩm thừa, cung lớn hơn cầu, giá phải giảm. Vậy EVN có giảm giá điện cho người dân?
"Đang vào mùa nắng nóng tiền điện thường tăng cao hơn trong khi điện đang thừa, người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao không giảm giá điện?" - ông Thỏa khuyến nghị và đề xuất thêm là trong cơ chế điều tiết giá điện cần nghiên cứu trong tình hình mới khi có sự tham gia của nhiều nguồn năng lượng tái tạo, phải có tiêu chí giá vào giờ thấp điểm, cao điểm, khuyến cáo người dân sử dụng phù hợp để tránh giá tăng đột biến.
GS Trần Đình Long, phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng chu kỳ điều chỉnh giá, từng có đề xuất 6 tháng điều chỉnh/lần, có thể giữ nguyên hoặc tăng/giảm giá, song cần phải thông báo định kỳ về việc điều chỉnh để người dân quen với việc này.
"Không thể ngẫu hứng. Việc điều chỉnh không theo quy luật kinh tế thị trường, ta ghìm lại thì bước nhảy giá điện sẽ càng cao và dư luận càng có cái nhìn xấu. Cần đưa vào cơ chế điều chỉnh giá điện thường xuyên để thấy giá điện theo diễn biến thị trường" - ông Long đề nghị.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhu-cau-giam-gia-dien-co-giam-evn-noi-gi-20210516224749016.htm