Trước mắt, toàn bộ chi phí liên quan đến thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 ở nước ngoài sẽ do Tập đoàn PAN chi trả
Sáng 5-5, trao đổi riêng với Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, xác nhận đã đạt được thỏa thuận với DNTN Hồ Quang Trí – chủ sở hữu giống lúa ST24, ST25 - về việc nhận ủy quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 và gạo ST24 tại các thị trường quốc tế trọng điểm về xuất khẩu gạo thương hiệu.
Theo bà Trà My, trước mắt Tập đoàn PAN sẽ lo toàn bộ chi phí để xử lý các vấn đề liên quan đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo tại thị trường nước ngoài. "Khi sự việc xảy ra (nhãn hiệu gạo ST25 bị các doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ tại Mỹ, Úc – PV), chúng tôi coi đây là việc cấp bách, làm sao giữ được thương hiệu Việt ở nước ngoài nên chuyện tài chính chưa phải là quan trọng. Tất nhiên sau này các vấn đề liên quan đến tài chính trong thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên cũng như bên thứ 3 sẽ được đề cập nhưng chưa phải là bây giờ" – bà Trà My thông tin.
Gạo ST25 nổi lên sau khi giành giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019
Về phía DNTN Hồ Quang Trí, Giám đốc là ông Hồ Quang Trí cũng xác nhận thông tin hợp tác trên nhưng không chia sẻ cụ thể.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, sau khi gạo ST25 giành giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và giải nhì gạo ngon thế giới năm 2020 đã có nhiều doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại chưa có doanh nghiệp nào được cơ quan chức năng ở nước ngoài cấp văn bằng bảo hộ nhưng ít nhiều cũng gây cản trở cho "chính chủ" khi đăng ký xin bảo hộ.
Các luật sư cho biết chi phí tối thiểu để làm đơn khiếu nại các doanh nghiệp ở nước ngoài là 25.000 USD/đơn (gần 600 triệu đồng) nên chủ sở hữu thật sự thương hiệu gạo ST25 sẽ phải tốn kém không ít khi đến nay đã có ít nhất 5 doanh nghiệp ở Mỹ, Úc nộp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/gao-st25-co-dai-gia-lo-chuyen-bao-ho-thuong-hieu-o-nuoc-ngoai-20210505100831822.htm