Mức tăng trưởng khả quan của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 chính là một trong những tác nhân giúp cho thanh toán số tại Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Thanh toán trực tuyến qua di động với QR Code đang khá phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Thế Lâm.
Theo một báo cáo nghiên cứu về thương mại điện tử năm 2020 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng trong đó có hành vi mua sắm.
Cụ thể, hành vi mua sắm trực tuyến gia tăng mạnh. Trong quãng thời gian giãn cách xã hội năm 2020, kênh thương mại điện tử dường như đã trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ. Điều đó cũng góp phần thúc đẩy thanh toán trực tuyến, thanh toán số tăng trưởng.
Số liệu từ Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam được VECOM dẫn lại, trong 6 tháng đầu năm 2020 các ngân hàng đã phát hành 10,3 triệu thẻ các loại, nâng tổng số thẻ tại Việt Nam lên hơn 103 triệu. Doanh số thanh toán qua kênh thương mại điện tử tăng 17%.
Đặc biệt, doanh số thanh toán chi tiêu qua kênh thương mại điện tử được trả bằng thẻ nội địa tăng tới 81%. Đây là một thay đổi lớn bởi theo thống kê cách đây vài năm, 85% các chi tiêu qua kênh thương mại điện tử được thanh toán bằng tiền mặt.
Riêng giao dịch thanh toán trực tuyến bằng thẻ nội địa qua hệ thống NAPAS, số lượng giao dịch tăng 185% và giá trị giao dịch tăng khoảng 200%.
Hoạt động thanh toán qua ví điện tử cũng ngày càng phổ biến và tăng trưởng mạnh hơn. Đơn cử như MoMo, trong năm 2020 đã đạt tới hơn 403 triệu giao dịch, và khoảng 14 tỉ USD giá trị giao dịch đi qua hệ thống này.
Một cuộc khảo sát đã được công ty chuyên về khoa học dữ liệu FICO thực hiện tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Australia, Hongkong, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam) về trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số. Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam có độ cởi mở trong lĩnh vực này cao hơn nhiều quốc gia trong danh sách khảo sát.
Xét về các tiêu chí và nội dung khảo sát, độ cởi mở của người tiêu dùng Việt chỉ xếp sau Thái Lan.
Cụ thể, người tiêu dùng Việt cởi mở với việc thử nghiệm các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech) và dịch vụ tài chính mới, chiếm tới 77% số người được khảo sát. Tỉ lệ này của Thái Lan là 78%.
Từ đó, người tiêu dùng Việt cũng có độ sẵn sàng cao trong việc cung cấp thêm các thông tin tài chính cá nhân cho phía ngân hàng (chiếm 49% số người được khảo sát) để đổi lại các ưu đãi, tỉ lệ này của Thái Lan là 51%.
Theo Thế Lâm/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/thanh-toan-so-tai-viet-nam-bat-ngo-tang-truong-manh-901278.ldo