Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại Việt Nam thâm hụt nặng nề với Trung Quốc ước tính khoảng 11,7 tỷ USD, đây là mức thâm hụt cao nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam 3 tháng qua ước đạt 24,3 tỷ USD, xuất khẩu chỉ đạt 12,6 tỷ USD, thâm hụt thương mại ước tính hơn 11,7 tỷ USD..
So với cùng kỳ các năm trước, thâm hụt thương mại thương mại lần này cao hơn rất nhiều. Trước đó, thâm hụt thương mại Việt Nam với Trung Quốc các quý I của 2018, 2019, 2020 lần lượt chỉ là hơn 5,4 tỷ USD, 8,7 tỷ USD và 6,8 tỷ USD.
3 tháng qua, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc cao kỷ lục do nhiều ngành, lĩnh vực phụ thuộc vào cung nguyên liệu, phụ kiện (Ảnh minh họa)
Thâm hụt cao, gia tăng được đánh giá là lo ngại bởi Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập khẩu rất nhiều hàng hóa, trong đó nhiều loại hàng nguyên liệu, nhiên liệu, linh kiện mà Việt Nam chưa tự sản xuất, hoặc nhập khẩu từ các đối tác khác thay thế.
Đơn cử như hết 3 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 1,7 tỷ USD nhập vải các loại từ Trung Quốc về phục vụ ngành dệt may xuất khẩu. Mặt hàng sắt thép cũng đạt kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD. Máy vi tính, linh kiện đạt hơn 4,6 tỷ USD. Điện thoại, linh kiện là hơn 2,26 tỷ USD. Máy móc, linh kiện và phụ tùng Trung Quốc có kim ngạch nhập khẩu cao nhất ở Việt Nam là hơn 5,3 tỷ USD.
Không nói các sản phẩm linh kiện, nguyên liệu Trung Quốc vốn có thế mạnh được nhập khẩu về Việt Nam với số lượng và kim ngạch nhiều. Máy móc, phụ tùng công nghiệp là những sản phẩm mà Trung Quốc không có lợi thế so sánh với các đối tác lớn như Nhật, Hàn, hay EU. Tuy nhiên, lượng và kim ngạch mặt hàng này nhập về Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn.
Hết 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu máy móc, phụ tùng từ Trung Quốc về Việt Nam đạt 5,3 tỷ USD, bằng kim ngạch nhập khẩu máy móc của các nước phát triển về Việt Nam cộng lại: đơn cử như Anh chỉ 38 triệu USD, Đức 380 triệu USD, Hàn Quốc hơn 1,76 tỷ USD, Mỹ hơn 250 triệu USD, Nhật hơn 1,1 tỷ USD, Pháp hơn 52,3 triệu USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, máy móc từ Trung Quốc sở dĩ nhập vào Việt Nam nhiều và có kim ngạch lớn là do giá rẻ, sản phẩm gia công, lắp ráp hoặc các bằng sáng chế được nhượng quyền hay đời sản phẩm thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3. Bên cạnh đó, cũng có sản phẩm máy móc nhái, đánh cắp công nghệ của nước ngoài để sản xuất những sản phẩm tương tự các nước phát triển.
Thực tế, trong các đối tác thương mại của mình, Việt Nam chỉ thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, với Hàn Quốc chỉ diễn ra từ 5 năm trở lại đây, còn đối với Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Việt Nam với nước này diễn ra cả thập niên, bởi nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cụ thể như vải, da giày, thiết bị điện, sắt thép, đến linh kiện cho ngành ô tô, xe máy, gần đây là điện tử, máy tính... Nhiều ngành, lĩnh vực Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng chỉ thu được giá trị gia tăng thấp do chỉ làm gia công, phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam đã cải thiện được điểm yếu này, song nhiều ngành, lĩnh vực vẫn chậm hoặc khó có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, trong đó có dệt may, da giày, điện tử, linh kiện ô tô...
Theo An Linh/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/say-dam-voi-linh-kien-gia-re-viet-nam-nhap-sieu-tu-trung-quoc-cao-ky-luc-20210417132618649.htm