Xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 858.605 tấn, giảm gần 34% sản lượng nhưng tăng 21,7% giá trị kim ngạch.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chạm mốc 522 USD/tấn, là mức giá cao nhất trong 10 năm gần đây. Ảnh: Vũ Long
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15.3, Việt Nam đã xuất khẩu được 858.605 tấn gạo đạt giá trị kim ngạch 470,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, số lượng gạo xuất khẩu giảm 33,74% nhưng trị giá kim ngạch tăng 21,75%. Như vậy, so với cùng thời điểm này của năm trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trên 20 USD/tấn.
Ngày 30.3, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức từ 517-522 USD/tấn (năm 2020 ở mức 459 USD/tấn). Đây cũng là mức giá cao nhất trong 10 năm gần đây, dù tại thời điểm này. nguồn cung lúa gạo đang dồi dào vì Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang tăng cường mua gạo để tích trữ và phục vụ nhu cầu trong nước. Đặc biệt, tại thời điểm này, nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường Philippines, Bangladesh, Indonenia… đang tăng mạnh. Xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các thị trường Châu Âu, Anh, Mỹ… cũng có nhiều tín hiệu lạc quan.
Ông Đỗ Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết: Mới đây, Bangladesh đã đưa ra một đấu thầu quốc tế mua 50.000 tấn gạo từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Hiệp hội Lương thực Việt Nam lưu ý: Ngoài các hợp đồng mua gạo theo các thỏa thuận nhà nước Bangladesh với Việt Nam cũng như các nước khác như: Ấn Độ, Thái Lan, các thương nhân tư nhân của quốc gia này vẫn được phép nhập khẩu 1 triệu tấn gạo. Đây là cơ hội tốt cho xuất khẩu gạo trong những tháng tới đây.
Hiện tại, các “ông lớn” trong xuất khẩu lúa gạo như Trung An, Lộc Trời, Gentraco… vẫn ký hợp đồng xuất khẩu gạo đi các nước, trong đó có các thị trường lớn như EU, Philippines, Malaysia..
Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice - cũng cho biết, Vrice đã ký kết các đơn hàng đến hết tháng 6.2021 với mức giá cao và việc chế biến, xuất khẩu gạo vẫn diễn ra rất thuận lợi.
Thời điểm này đang thu hoạch rộ vụ đông xuân và người trồng lúa đang rất phấn khởi khi giá lúa trong nước ổn định ở mức cao bởi nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao.
Ngày 30.3, giá lúa thu mua tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở mức 6.400-10.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa OM 9577 ở mức 6.650 đồng/kg, OM 9582 giá 6.500 - 6.650 đồng/kg; OM 5451 giá 6.600 - 6.700 đồng/kg, Nàng Hoa 9: 6.600 đồng/kg, OM 6976: 6.500 - 6.600 đồng/kg, OM 18: Từ 6.600 - 6.700 đồng/kg...
"Nhìn chung, giá lúa thu mua tại ruộng năm nay luôn giữ ở mức cao, bình quân từ 6.400 đồng/kg trở lên" - ông Phan Văn Có nói.
Giá lúa thu mua ổn định giữ giá gạo hôm nay cũng ổn định ở mức khá hấp dẫn khi bán ra: Gạo thường ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, Nàng Nhen: 16.000 đồng/kg, gạo thơm Thái Lan hạt dài: 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo thơm Jasmine: 14.000 - 15.000 đồng/kg, Hương Lài: 20.000 đồng/kg, gạo trắng thông dụng: 14.000 đồng/kg, Nàng Hoa: 16.200 đồng/kg, Sóc thường 15.000 đồng/kg…
Theo Vũ Long/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/kim-ngach-xuat-khau-gao-tang-gan-22-gia-cao-nhat-trong-10-nam-894070.ldo