Để đạt hiệu quả cao trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đòi hỏi sự phối hợp của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, lực lượng chức năng và các cấp, các ngành.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phương thức thủ đoạn sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, thậm chí có sự câu kết giữa các đối tượng từ trong nước và ngoài nước để sản xuất và tiêu thụ hàng giả đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi người tiêu dùng.
Vì vậy, bên cạnh công tác đấu tranh với vấn nạn hàng giả của cơ quan chức năng thì vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này.
Ma trận hàng giả
Liên tiếp thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ số lượng lớn hàng giả và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Không chỉ xuất hiện ở những mặt hàng tiêu dùng thông thường, mà những mặt hàng kinh doanh có điều kiện như thuốc chữa bệnh… hàng giả cũng diễn biến phức tạp.
Đơn cử, ngày 19/1/2021, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thời trang tại thị trấn Đông Anh, Hà Nội.
Đây là một trong những địa chỉ có số lượng khách hàng khá đông, nhờ kinh doanh các sản phẩm được gắn mác hàng hiệu như: Louis Vuitton, D&G, Dior, Lacoste, Adidas, Givenchy, Bubberry, Mango, Clarks, Hermes, Philip Plein, Gucci, Versace, Nike, DSQuared, Fendy.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu của việc kinh doanh hàng giả các thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Không chỉ hàng tiêu dùng thông thường, nhiều sản phẩm như thuốc chữa bệnh cũng có thể bị làm giả và là nỗi lo tiềm ẩn, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Mới nhất, ngày 11/3, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra xe ôtô dừng đỗ tại một địa điểm trên địa bàn Hà Nội để đợi giao hàng. Kết quả kiểm tra đã lật tẩy hành vi sai phạm của tài xế, khi trên xe cất giữ gần 300.000 đơn vị sản phẩm các mặt hàng có xuất xứ nước ngoài gồm: Thuốc trị ho, thuốc huyết áp, thuốc chữa đau đầu, thực phẩm chức năng giảm cân… có dấu hiệu hàng giả.
Hầu hết các vụ kiểm tra và phát hiện làm giả, nhái các thương hiệu đều bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ rất gian nan do các hành vi ngày càng tinh vi và biến hóa.
Nếu như trước đây một đối tượng có thể “làm tất ăn cả” thì nay để đối phó với lực lượng chức năng, hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác rồi giao liền cho khách hàng đặt mua, thậm chí là sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ.
“Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc phát hiện vi phạm cũng gặp khó khăn,” một cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường cho hay.
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn là cá biệt ở các địa phương.
Người tiêu dùng có quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), năm 2020, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 do Cục quản lý, vận hành đã tiếp nhận 11.211 cuộc gọi đến; trong đó có 9.965 cuộc gọi được trả lời và tư vấn các nội dung liên quan đến tiêu dùng và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Số cuộc gọi đến Tổng đài năm 2020 đã tăng 23% so với năm 2019 và tăng 32% so với năm 2018.
Trong số các cuộc gọi được trả lời hoặc tư vấn, có khoảng 60% cuộc gọi của người tiêu dùng được tư vấn gửi yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại Trung ương và địa phương để được giải quyết.
Đối với 40% cuộc gọi còn lại, người tiêu dùng được tư vấn cách thức mua, tiêu dùng đúng cách, hiệu quả, cảnh báo những trường hợp cần lưu ý trong giao dịch mua, bán với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là những giao dịch trên môi trường mạng; được cung cấp thông tin về tiến trình giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng...
Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 cũng quy định rất rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để có hành đồng thiết thực, ngày 8/3, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có thư ngỏ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2021.
Với chủ đề: "Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong bối cảnh bình thường mới", ông đề nghị các doanh nghiệp kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như quảng cáo sai sự thật, cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng,… đặc biệt là hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, trục lợi, bán giá cao, thu lời bất chính.
Về phía cơ quan chức năng, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
"Việc sản xuất hàng giả vi phạm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng ngày càng phức tạp. Vì vậy cùng với việc hoàn thiện các văn bản pháp luật thì việc sản xuất hàng hóa có chất lượng cao và giá cả cạnh tranh chính là giải pháp căn cơ để đẩy lùi hàng giả, bảo vệ thương hiệu.” ông Trần Hữu Linh nói./.
Theo thống kê, năm 2020 lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý trên 66.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm ước tính trên 392 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối 157 vụ… |
Theo Đức Duy (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/kinh-doanh-trach-nhiem-loi-giai-de-bao-ve-quyen-cua-nguoi-tieu-dung/699494.vnp