Hiện đang là cao điểm của mùa kinh doanh Tết Tân Sửu 2021. Hầu hết các doanh nghiệp, chợ đầu mối, siêu thị ở TPHCM đều đã hoàn thành kế hoạch hàng Tết. Ngoài chuẩn bị cho thị trường, các đơn vị còn dự trữ lượng hàng khá lớn để phục vụ nhu cầu mua sắm trước và sau Tết của người dân.
Hàng hoá về chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8, TPHCM) phong phú, giá cả bình ổn. Ảnh: Ngọc Lê
Doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến
Kể từ đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 1 vào đầu năm 2020, khi người tiêu dùng ở TPHCM thay đổi thói quen mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp cũng tăng cường bán hàng qua hình thức này. Công ty CP Sài Gòn Food - đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm chế biến và hàng thủy sản sơ chế cho biết, đợt dịch bệnh lần đầu tiên, doanh thu bán hàng qua kênh online của doanh nghiệp tăng 750%. Tết này, doanh nghiệp tiếp tục tăng cường nhân lực cho kênh bán hàng này.
Ông Huỳnh Mẫn Đạt, Giám đốc Phòng Kinh doanh thương mại điện tử, Sài Gòn Food cho biết, công ty đã tăng cường nhân viên xử lý đơn hàng nhanh; chuẩn bị thêm nhiều thùng xốp cách nhiệt, gel giữ đá… và triển khai đóng gói hàng hóa tại các trung tâm phân phối để nhằm đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng. Thời gian giao hàng trong khu vực nội thành rút ngắn tối đa là 90 phút.
“Sài Gòn Food sẽ kết hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử, cung cấp cho người tiêu dùng cung cấp cho người tiêu dùng những chương trình tốt, có thể giảm giá 50%, những khách hàng mua hàng thời điểm này có thể được miễn phí vận chuyển”, ông Đạt nói.
Dịp Tết này, các hệ thống siêu thị ở TPHCM như Coopmart, Big C… cũng tăng cường triển khai bán hàng online. Trong đó, Coopmart miễn phí vận chuyển hóa đơn trên 200.000 đồng trong bán kính 20km. Riêng Big C, khi khách đặt hàng trên hệ thống bán hàng online hoặc gọi hotline, được miễn phí tất cả đơn hàng trong bán kính 10km.
Đảm bảo nguồn hàng phục vụ trước và sau Tết
Các Chợ đầu mối hoạt động đến sáng 30 Tết sau đó tạm ngưng một ngày và hoạt động trở lại vào đêm mùng 1 Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) cho biết, chợ đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ trước và sau Tết Tân sửu 2021 trên tinh thần đảm bảo đủ lượng hàng cung cấp ra thị trường, không để khan hiếm hàng và tăng giá trái phép.
Theo ông Dũng, dự báo lượng hàng nhập chợ từ ngày 1 - 30.12 Âm lịch, khoảng 77.000 tấn (2.500 tấn/ngày - đêm), tăng khoảng 2,8% so với ngày bình thường.
"Vào những ngày cao điểm Tết từ ngày 25 - 30.12 Âm lịch, lượng hàng tăng khoảng 5% so với ngày bình thường. Riêng ngày 26.12 Âm lịch tăng cao nhất và đạt khoảng 4.000 tấn (tăng 60% so với ngày bình thường)" - lãnh đạo Chợ Hóc Môn cho biết.
Theo như các thương lái thì lượng heo tại các trang trại ổn định, đảm bảo 100% đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết. Tuy nhiên khả năng giá sẽ biến động theo chiều hướng tăng lên do quy luật cung cầu vào mỗi cuối năm.
Theo Ban Quản lý Chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Thủ Đức), lượng hàng hóa đổ về chợ được Đội 2 Ban Quản lý ATTP thành phố kiểm tra, giám sát chặt chẽ… lưu lượng hàng hóa đổ về Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hiện trung bình có khoảng 3.500 tấn hàng hóa đổ về đây mỗi đêm.
Còn tại Chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), ông Phan Thành Tân - Giám đốc chợ Đầu mối Bình Điền cho biết, lượng hàng hóa trong những ngày cận Tết cũng tăng đột biến biến từ 3.600 đến 4.000 tấn/đêm. Riêng mặt hàng thịt heo đổ về chợ Bình Điền tăng gấp đôi so với ngày thường.
"Năm nay công nhân ở các khu công nghiệp ở lại TPHCM đón Tết rất nhiều nên dự kiến lượng hàng tiêu thị trong dịp này có thể tăng gấp đôi. Chợ cũng đã chủ động nguồn hàng phục vụ trong và sau dịp Tết" - Ông Tân cho hay.
Ngoài thịt heo, một số loại hải sản, được người dân dùng trong dịp Tết, như: Cá thu, cá chẻm, tôm cua và một số mặt hàng hải sản đông lạnh có xu hướng tăng mạnh. Riêng trong hai ngày 27 và 28 tháng Chạp một số mặt hàng trái cây có thể tăng giá đến 70%. Thịt heo có thể tăng giá gấp đôi.
Theo Sở Công Thương TPHCM, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết, các doanh nghiệp như Co.opmart, BigC, Aeon, Citimart-Aeon, VinMart, Lotte Mart… mở cửa sớm hơn và kéo dài thời gian bán hàng (tăng 2-4 giờ/ngày) những ngày cận Tết. Từ 20 đến 27-12 Âm lịch, các siêu thị sẽ mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ; từ 28 đến 29-12 âm lịch, mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ. Ngày 30 Tết, mở cửa từ 6 giờ đến 12 giờ. Khai trương năm mới lúc 8 giờ mùng 2 Tết. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, mở cửa từ 8 giờ đến 12 giờ. Từ mùng 6 Tết, các siêu thị đồng loạt kinh doanh bình thường. Ngoài ra, một số siêu thị sẽ mở cửa liên tục, không nghỉ Tết. Để giảm áp lực lượng khách quá đông, các siêu thị đều tăng thêm 30% nhân viên phục vụ siêu thị, thêm quầy thu ngân, tăng nhân viên giao hàng, gói quà… Ban quản lý các chợ truyền thống cho biết, sẽ xin quận cho phép tiểu thương bán hàng đến 18-19 giờ, so với trước là 17 giờ. Sau ngày 23-12 âm lịch, ban quản lý một số chợ chấp thuận cho tiểu thương ở khu vực nhà lồng bán đến 21 giờ. Theo quy định, các chợ sẽ đóng cửa trước 12 giờ ngày 30 Tết để làm vệ sinh, dọn dẹp đón Tết. |
Theo Ngọc Lê/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/dam-bao-hang-hoa-truoc-va-sau-tet-tan-suu-2021-877634.ldo