Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản, hoa, cây cảnh gặp khó. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp Bắc Giang đề ra các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa cho nông sản lưu thông.
Ruộng hoa ly bán Tết tại hộ anh Trần Xuân Đăng, xã Trí Yên (Yên Dũng).
Hiện nay, một số nông sản của tỉnh đang được bán với giá giảm nhiều so với trước, nhất là nhóm rau ăn lá, cà chua, su hào.
Cùng đó, khoảng 300 ha hoa, cây cảnh cung cấp cho thị trường Tết cũng tiêu thụ chậm. Anh Trần Xuân Đăng, xã Trí Yên (Yên Dũng) cho biết: "Gia đình tôi chuẩn bị 6 nghìn cành hoa ly bán Tết, đến nay đã bán được 1 nghìn cành. Dự kiến khoảng ngày 26, 27 tháng Chạp thì khách mới mua đông nên cũng chưa biết thu được ra sao, nếu không thuận lợi cũng có thể bị lỗ".
Trên lĩnh vực chăn nuôi, giá gà lông ở Yên Thế, Sơn Động cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 20 nghìn đồng/kg. Riêng lợn hơi vẫn được giá, người chăn nuôi có lãi.
Nguyên nhân khiến giá rau, hoa, cây cảnh và gia cầm giảm là do các thị trường trọng điểm tiêu thụ nông sản của Bắc Giang như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… -nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp lại đang xuất hiện những ổ dịch Covid-19.
Mặt khác, thị trường tiêu thụ nội tỉnh cũng giảm do cấm tụ tập đông người, không tổ chức tất niên để phòng, chống dịch. Người dân tuân thủ quy trình phòng dịch, hạn chế đến chỗ công cộng, đông người. Thực tế, năm nay khách đi ngắm hoa, cây cảnh không đông như mọi năm.
Thu mua hoa lay ơn tại xã Thái Đào (Lạng Giang).
Hơn nữa, thời điểm này, người dân tích cực dọn ruộng để chuẩn bị gieo cấy lúa xuân cũng là một trong những yếu tố khiến giá rau, củ, quả giảm.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh còn khoảng 1 nghìn/23 nghìn ha cây vụ đông chưa thu hoạch; hàng chục nghìn con lợn và triệu con gà cung cấp dịp Tết. Tuy nhiên, tiêu thụ nông sản toàn tỉnh thời điểm này giảm 15-20% so với cùng kỳ.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong dập dịch Covid-19 thì tình hình thị trường tới đây sẽ tốt hơn.
Nhu cầu thực phẩm dịp Tết vẫn cao nên trước mắt, để hạn chế thiệt hại, ngành khuyến cáo nông dân bình tĩnh, không vì rẻ mà bán tống, bán tháo rau củ, quả; nên thu hoạch rải vụ vì sau Tết nguồn cung rau sẽ giảm mạnh.
Đối với hoa, cây cảnh cần hạn chế nhập hoa từ địa phương khác về vì sản phẩm tại tỉnh như: Hoa đào, lay ơn, ly, cúc… tương đối dồi dào.
Với việc xuất bán gia cầm, lợn ra ngoại tỉnh, ngành chỉ đạo đơn vị chuyên môn tạo điều kiện tối đa cho lưu thông, cấp giấy kiểm dịch 24/24 giờ.
Điểm trung chuyển lợn để mang tiêu thụ tại các tỉnh, TP thuộc xã Chu Điện (Lục Nam).
Việc đưa nông sản vào các vùng dịch cũng đã được các thương nhân thực hiện khá linh hoạt. Đó là chủ động liên kết với địa phương, xe chở nông sản từ Bắc Giang chỉ đến các chốt kiểm dịch. Sau đó phía thương nhân ở vùng bên kia chốt sẽ vận chuyển tiếp nông sản để cung ứng cho bà con trên cơ sở được hướng dẫn, khử trùng an toàn.
Về lâu dài, ngành Nông nghiệp cho rằng Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nên định hướng người dân giảm quy mô tái đàn gia cầm. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm và tiêu thụ thuận lợi.
Theo Trường Sơn/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/352247/bac-giang-tao-dieu-kien-toi-da-cho-nong-san-luu-thong.html