Ngành công thương và UBND các tỉnh, thành phố triển khai cung ứng lượng hàng hóa dồi dào, ổn định giá, đảm bảo nguồn cung phục vụ trong dịp Tết.
Hàng hóa dồi dào tại siêu thị đảm bảo nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Ảnh: Vũ Long
Triển khai bình ổn thị trường
Theo Bộ Công Thương, tại một số địa phương miền Trung chịu thiệt hại của bão lũ trong năm 2020 vừa qua, nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị tốt. Sở công thương các địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các chuyến bán hàng Tết đến các khu vực dân cư chịu thiệt hại lớn của bão lũ với giá bình ổn và có hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người dân.
Công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán đã được các điạ phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai, đặc biệt là chương trình Bình ổn thị trường (BOTT).
"Ước lượng hàng hoá tham gia BOTT tại các địa phương triển khai chương trình được tăng cường, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường. Tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM và Hà Nội, UBND cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp trở lại" - bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết.
Nguồn vốn dùng để dự trữ hàng hóa chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh những địa phương đã có kinh nghiệm thực hiện BOTT các năm qua, năm nay, một số địa phương khác như Hậu Giang, Kon Tum... cũng thực hiện chương trình BOTT một cách quy mô và bài bản (tổ chức mỗi huyện, thị xã 1 điểm bán bình ổn).
Nhiều doanh nghiệp trao tặng hàng hóa để các tỉnh bị dịch bệnh có hàng hóa phục vụ bác sĩ, người dân chống dịch dịp Tết. Ảnh: Thanh Tân
Bên cạnh đó, số lượng các địa phương thực hiện theo phương thức kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng tăng so với năm trước. Điều này đã khuyến khích, mở rộng số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia BOTT và cam kết bình ổn giá không cần sự hỗ trợ về vốn vay từ ngân sách Nhà nước.
“Theo thống kê sơ bộ, so với cùng kỳ năm trước, số lượng hợp đồng ký kết cũng như giá trị vay đều tăng so với năm ngoái, ví dụ tại TPHCM, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM đã kết nối hơn 28.000 lượt cho 22.000 doanh nghiệp vay khoảng 448,5 nghìn tỉ đồng (tăng 18% so với năm trước, trong đó có 38 doanh nghiệp tham gia BOTT với doanh số cho vay luỹ kế đạt 1.707,3 tỉ đồng)” – bà Lê Việt Nga thông tin thêm.
Kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) giao Cục nghiệp vụ QLTT và Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn trong công tác trao đổi thông tin, nắm tình hình để thẩm tra, xác minh, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn;
Tăng cường kiểm soát tuyến trọng điểm gần các cửa khẩu, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hoá gần biên giới; các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại; các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, cảng hàng không;
Tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán... Tăng cường kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để người dân mua sắm và đón Tết Nguyên đán an toàn, vui tươi.
Theo Vũ Long/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/huy-dong-toi-da-nguon-luc-de-du-tru-binh-on-gia-hang-hoa-phuc-vu-tet-877221.ldo