Nguồn cung hàng hóa tết đã được các bộ ngành và địa phương chuẩn bị kỹ, đảm bảo phục vụ hàng hóa dồi dào cho người dân, gắn với phương án chủ động trong trường hợp có dịch xảy ra.
Các hệ thống siêu thị năm nay dự trữ lớn cho dịp tết. Trong ảnh: người dân mua sắm tại siêu thị ở quận Gò Vấp, TP.HCM chiều 30-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Việt Nga - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - cho hay để chuẩn bị nguồn hàng từ sớm, thông lệ hằng năm Bộ Công thương thường có chỉ thị gửi các sở công thương, hiệp hội và doanh nghiệp tập trung đầy đủ nguyên liệu, nhân sự để không xảy ra chuyện dừng sản xuất, gắn với công tác bình ổn thị trường.
* Trong nước, dịch bệnh vẫn diễn biến bất thường. Bộ Công thương chuẩn bị phương án gì trong trường hợp các thành phố lớn phát sinh dịch bệnh?
- Từ kinh nghiệm chống dịch năm 2020, chúng tôi có đầy đủ kịch bản để đáp ứng các phương án phòng chống dịch ở từng mức độ về số người nhiễm bệnh, quy mô từng nơi ra sao... Theo đó, Bộ Công thương sẽ đứng ra điều hành, điều tiết các nguồn hàng khi có dịch xảy ra. Bộ cũng có ký kết giữa các địa phương để đảm bảo cung ứng hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh hay tình huống bất thường khác.
Chúng tôi có các nhóm tác chiến đảm bảo nguồn cung hàng hóa, vận chuyển giữa các vùng dịch và chuẩn bị nguồn hàng đặc thù như nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, đồ bảo hộ... Bộ cũng cập nhật bản đồ an toàn dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các nơi công cộng, mua sắm như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, điểm bán hàng.
Bà Lê Việt Nga
* Dịch COVID-19 diễn ra, vậy đến nay nguồn cung hàng hóa dịp tết với chất lượng và giá cả có gì khác, thưa bà?
- Đến nay cơ bản nguồn cung hàng hóa đã được các địa phương chuẩn bị đầy đủ, phục vụ cho nhu cầu Tết Nguyên đán tăng khoảng 15%. Đơn cử như tại Hà Nội, chương trình bình ổn cho hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao chiếm tới 35% nhu cầu, bán hàng thông qua 12.443 điểm.
Tại TP.HCM, hàng hóa chuẩn bị cho tết đạt 19.000 tỉ đồng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, riêng hàng bình ổn thị trường đạt khoảng 7,1 nghìn tỉ đồng, thực hiện tại 10.983 điểm bán. Hay tại Đà Nẵng, dự trữ hàng hóa phục vụ các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán ước đạt khoảng 1.710 tỉ đồng.
Có thể nói, thị trường hàng hóa năm nay thay đổi rõ rệt khi hàng Việt lên ngôi nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội nên sản xuất không bị đình trệ, nâng cao chất lượng. Năm 2020 cũng do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng nhập ngoại hạn chế, đặc biệt là hàng xách tay.
Vì vậy, hàng ngoại về chỉ còn hàng chính ngạch đi đường biển, kiểm duyệt hải quan rất chặt chẽ. Phần lớn nguồn hàng này chủ yếu đến từ các nước mà Việt Nam vừa ký kết hiệp định thương mại như bánh kẹo từ EU, hoặc hàng từ Canada, thịt heo Ba Lan, Tây Ban Nha, Nga... nhờ mức giảm thuế nên giá cả tốt hơn.
Đủ cung, giá thịt heo không biến động mạnh Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Việt Nga cho hay Bộ Công thương cũng rất lo lắng về tình hình cung ứng của các mặt hàng gia súc gia cầm, rau củ quả nên đã nhiều lần làm việc với Bộ NN&PTNT, đề nghị tăng cường sản xuất những mặt hàng này, nếu không đủ thì tạo điều kiện cho nhập khẩu. Vừa qua, khảo sát một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Yên Bái, theo bà Nga, các đơn vị đều cam kết cung ứng đủ, mở điểm bán hàng bình ổn thịt heo, điều chuyển hàng về nơi thiếu. Thậm chí các doanh nghiệp lớn còn bán hàng thịt heo không lợi nhuận nên cơ bản giá cả sẽ giữ ổn định. Có thể thời điểm cận tết nhu cầu tăng cao nên giá sẽ tăng chút ít nhưng chắc chắn sẽ không đột biến vì nguồn cung đã được đảm bảo. |
Theo Ngọc An/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dam-bao-hang-tet-ngay-ca-khi-co-dich-20210201085003059.htm