Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo vẫn hứa hẹn nhiều tín hiệu lạc quan; giá lúa trong nước tiếp tục ổn định ở mức cao.
Việt Nam tự tin với vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Ảnh: Lộc Trời
Xuất khẩu gạo nhiều triển vọng trong quý 1
Ngày 28.1, xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức giá cao nhất từ trước đến nay: 500-505USD/tấn. "Đây là mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Giá gạo xuất khẩu tăng tạo đà cho giá lúa trong nước tăng cao" - ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), cho biết.
Theo các chuyên gia ngành lúa gạo, với giá chào bán trên thế giới lên mức 500-505USD/tấn, giá gạo Việt Nam đã vượt giá gạo Thái Lan và Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi nhiều nền kinh tế gặp khó khăn bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thì xuất khẩu gạo của Việt Nam đã lập kỷ lục mới.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nhận định: Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn tiếp tục đạt được những kết quả lạc quan khi ngay từ đầu năm 2021, nhiều đơn hàng đã được thực hiện. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, các nước Đông Nam Á, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.
Ngay từ tháng 1.2021, các doanh nghiệp đã xuất hàng nghìn tấn gạo chất lượng cao đi các nước, trong đó có 1.600 tấn gạo thơm của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An xuất sang Singapore và Malaysia. Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) cũng vừa xuất khẩu lô hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng sang Anh.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hoài Nam, hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA, RCEP… đã tạo nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng nông sản, trong đó có mặt hàng gạo.
Ông Đỗ Hoài Nam cho biết, trước khi UKVFTA được ký kết, số lượng gạo xuất khẩu vào Anh không đáng kể do bị áp thuế cao. Khi UKVFTA có hiệu lực thực thi, thuế suất giảm theo cam kết UKVFTA đã, đang và sẽ giúp gạo Việt tiếp cận thị trường này tốt hơn.
Dự báo, nhu cầu gạo của thế giới trong năm 2021 sẽ tăng cao do nhu cầu an ninh lương thực. Nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn đang có xu hướng tăng lên trên toàn cầu. Điều này, sẽ giúp ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thuận lợi trong năm 2021. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng lượng gạo nhập khẩu trên toàn thế giới trong niên vụ 2020/2021 sẽ khoảng 44,263 triệu tấn, tăng gần 600 ngàn tấn so với niên vụ 2019/2020.
Nguồn cung tăng đẩy giá lúa gạo trong nước tăng
Xuất khẩu gạo thuận lợi đã tạo đà cho giá lúa tăng ở mức lạc quan. Ngày 28.1, giá lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục tăng cao.
Tại “vựa lúa” An Giang, giá lúa OM 0577, OM 9582 bán ra ở mức 7.100 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; lúa OM 6976 bán ra 7.100 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 7.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 7.500 đồng/kg; OM 5451 giá 7.100 đồng/kg; lúa Jasmine 7.000 đồng/kg; OM 9577 giá 6.900 đồng/kg; OM 9582 giá 7.000 đồng/kg…
Giá gạo trong nước cũng ở mức khả quan: Gạo nguyên liệu NL IR 504 ở mức 10.350 đồng/kg; giá bán gạo NL OM 5451 là 10.500 đồng/kg; gạo OM 18 giá 10.400 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu TP IR 504 ở mức 11.600 đồng/kg.
Theo Vũ Long/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/gia-xuat-khau-gao-cao-nhat-trong-vong-10-nam-bat-chap-dich-benh-covid-19-875004.ldo