Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - doanh nhân Đỗ Hà Nam, năm 2020 là năm Việt Nam thành công trong xuất khẩu lúa gạo. Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng giá trị kim ngạch lại tăng cao. Xu hướng xuất khẩu gạo phẩm cấp cao đang đóng vai trò quan trọng và nâng tầm gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tình hình xuất khẩu gạo. Nguồn: CTCK Rồng Việt/Tổng cục Hải quan
Giá gạo cao nhất trong 9 năm
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - hào hứng cho biết: Giá gạo hôm nay chào bán trên thị trường thế giới đang rất cao: Gạo 5% tấm 5451 có giá 530USD/tấn, gạo ST24 giá 1.050USD/tấn, gạo thơm Jasmin 680USD/tấn. Tất cả đều là giá FOB (khi người bán giao hàng lên boong tàu cho người mua, vượt qua lan can tàu tại cửa xếp hàng, mọi rủi ro của hàng hóa trên boong tàu sẽ do người mua chịu-PV).
“Với mức này, giá gạo Việt Nam đã cao hơn 10USD so với thời điểm cuối năm 2020. Nguyên nhân bởi lượng hàng tồn trong kho hiện nay không còn nhiều, trong khi nhu cầu thu mua của thế giới vẫn tăng cao” - ông Phạm Thái Bình nói.
Thực tế cho thấy, giá gạo Việt Nam tăng cao là xu hướng tất yếu. Đã qua thời Việt Nam xuất khẩu gạo cấp thấp, mà hướng tới gạo có phẩm cấp cao, thậm chí là gạo hữu cơ với hàm lượng dinh dưỡng, điều kiện an toàn thực phẩm nghiêm ngặt và ở mức rất cao.
Theo một số doanh nhân trong ngành lúa gạo, giá gạo Việt Nam sẽ còn tiếp tục cao trong dài hạn bởi nhu cầu của thế giới. Đặc biệt, dịch COVID-19 càng phức tạp, nhu cầu về lúa gạo càng cao khi các quốc gia đề cao vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Doanh nhân Lý Thái Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc - cho hay: Mặc dù trong bối cảnh COVID-19, nhưng xuất khẩu gạo của công ty sang các thị trường vẫn rất ổn định, thậm chí tăng trưởng và giá xuất khẩu đang rất lạc quan.
Kỳ vọng kỳ tích mới của gạo Việt trong năm 2021
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, ngành Nông nghiệp Việt Nam, trong đó có nhóm hàng lúa gạo, đang được hưởng những lợi thế lớn chưa từng có. Với tình hình hiện nay, dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, Châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất lạc quan.
Bên cạnh đó, nhiều nước có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp - vốn là mặt hàng có lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam, đang được xuất khẩu nhiều sang Đài Loan, HongKong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục. Thị trường EU cũng đang được coi là rất tiềm năng khi EVFTA được thực thi từ ngày 1.8.2020 đã cho kết quả xuất khẩu gạo rất khả quan với hạn ngạch gạo thơm lên đến 80.000 tấn/năm.
Trong khuôn khổ FTA - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo theo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Cộng hòa Armenia 400 tấn, Cộng hòa Belarus 9.600 tấn. Hiệp định UKVFTA giữa Vương quốc Anh và Việt Nam cũng tạo điều kiện để gạo Việt Nam vào được thị trường này với dư địa rất lớn.
“Khi thực thi UKVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Anh sẽ được giảm thuế về 0% và không có giới hạn về hạn ngạch. Tuy nhiên, các thị trường cấp cao đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao” - ông Phạm Thái Bình nói.
Trước khi ký và thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam chỉ xuất khẩu 50.000 tấn gạo (năm 2019) trong khi nhu cầu gạo ở Châu Âu ở mức 2,3 triệu tấn và phải chịu mức thuế 65-211 EUR/tấn. Đây chính là những tín hiệu cho thấy, EU đang là thị trường rất tiềm năng trong năm 2021 và những năm tới, khi dư địa còn rất lớn.
Với thị trường Australia, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp nên Chính phủ Australia tăng cường nhập khẩu và Việt Nam đang được xem xét như là đối tác cung cấp gạo cho Australia một cách khả thi.
“Gạo Việt lập nên kỳ tích trong năm 2020 một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm tăng nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia, một phần do chúng ta kịp thời chuyển đổi giống lúa từ gạo trắng - vốn là gạo cấp thấp - sang lúa thơm nên cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất may mắn có Philippines - thị trường truyền thống tiêu thụ trên 3 triệu tấn gạo, giúp ngành ổn định đầu ra và có giá xuất khẩu tốt” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, doanh nhân Đỗ Hà Nam, nói. |
Theo Phong Nguyễn/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/ky-vong-lap-lai-ky-tich-gao-viet-trong-nam-2021-867832.ldo