Sau một năm với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng lượng hàng được các doanh nghiệp dự trữ chuẩn bị bán tết ở Hà Nội và TPHCM vẫn tăng 13-15% so với năm trước, trong đó tập trung hàng thiết yếu, bình dân. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn do các doanh nghiệp bán lẻ đã lên kế hoạch khuyến mãi, giảm giá.
Các siêu thị chuẩn bị đầy đủ hàng để phục vụ Tết. Ảnh: T.C
Thị trường hàng hoá Tết bắt đầu khởi sắc
Ghi nhận của Báo Lao Động, siêu thị Mega Martket (MM), đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dành hẳn một khu vực lớn để bày bán bánh kẹo và mứt Tết. Các loại hàng này được bán với nhiều mẫu mã khác nhau, mang màu sắc đỏ vàng truyền thống của Tết Việt.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị VinMart bắt đầu chương trình Tết với các giỏ quà tặng. Đặc biệt, siêu thị có hẳn một khu vực lớn trưng bày giỏ quà Tết ngay cửa ra vào, để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ghi nhận cho thấy giỏ quà Tết tại đây rất đa dạng, giá thành từ vài trăm nghìn đồng đến hơn triệu đồng.
Còn tại TPHCM, hàng hoá phục vụ nhu cầu mua sắm Tết bắt đầu dồi dào, sức mua tăng tại các chợ sỉ. Các loại đặc sản vùng, miền phục vụ nhu cầu ngày Tết đã xuất hiện nhiều tại các chợ, giá cả cũng bắt đầu tăng nhẹ.
Tại các chợ Bình Tây (quận 6), Kim Biên (quận 5)... người mua bán tấp nập, hàng hóa Tết đã bắt đầu sôi động. Bà Nguyễn Hoàng Yến, sống tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp lặn lội hơn 150km đến chợ Bình Tây (TPHCM) để nhập mứt và bánh kẹo về bán dịp Tết Nguyên đán 2021. "Năm nay, bánh kẹo ở chợ khá phong phú, đa số là các loại bánh mứt Việt, tuy giá sỉ có cao hơn so với các mặt hàng bánh kẹo khác nhưng an toàn" - bà Yến cho hay.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, các loại mứt Việt như mứt bưởi, thơm, xoài, thốt nốt... có mức giá từ 170.000-220.000 đồng/kg, các loại trái cây sấy có mức giá dao động từ 90.000-130.000 đồng/kg, đây là mức giá không quá cao nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chủ động nguồn cung hàng Tết
Trao đổi với Lao Động, bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết, Tết Nguyên đán năm nay, doanh nghiệp đã chuẩn bị gần 450 tỉ đồng tổng giá trị hàng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Các mặt hàng được chuẩn bị nhiều chủ yếu là nhu yếu phẩm, như thực phẩm tươi sống, nước giải khát đa dạng, hàng đông lạnh, đồ gia dụng, cũng như các mặt hàng bánh, mứt, kẹo với giá cả bình ổn, phục vụ nhu cầu khách hàng.
Để kích cầu và phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân, hiện các hệ thống siêu thị cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho Lao Động - cho biết, công ty đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể phục vụ trọn 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.
Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc Marketing Masan MEATLife - cho hay, năm nay doanh nghiệp tăng cường công suất 2 tổ hợp chế biến để đáp ứng nhu cầu Tết. Cụ thể, sản lượng dịp Tết tăng gấp10 lần so với sản lượng sản xuất thông thường. Công ty dự kiến sản lượng cung cấp ra thị trường các sản phẩm: Thịt tươi (1577 tấn), thịt chế biến (280 tấn), giò chả (80 tấn), Xúc xích (200 tấn). Không chỉ đảm bảo nguồn cung dồi dào, thời điểm này, nhiều siêu thị cũng tung ra các chương trình khuyến mãi lớn.
Vẫn có nhiều hàng “mập mờ” nguồn gốc
Bên cạnh những mặt hàng Việt thì nhiều bánh kẹo không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan tại một số chợ sỉ. Hầu hết, khách đều có thể mua lẻ mỗi loại bánh kẹo với giá 5.000 đồng/cái (loại nhỏ), 10.000 đồng/cái (loại lớn), mua theo số lượng lớn với giá 130.000-150.000 đồng/kg (tuỳ loại). Đối với những khách thích mua nhiều loại bánh khác nhau thì có thể lựa chọn loại được kết hợp sẵn giá 140.000 đồng/kg.
Tại chợ sỉ bánh kẹo Bình Tây (quận 6, TPHCM), bà Liên chủ sạp 632 cho biết, bánh nội địa Đài Loan (Trung Quốc) được sạp nhập về có đến 70 loại. “Cuối năm số lượng bánh về chợ nhiều hơn, đầy đủ các vị. Toàn hàng nội địa Đài Loan (Trung Quốc) nên giá nhỉnh hơn so với bánh kẹo Việt một chút” - tiểu thương này nói.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, các loại bánh kẹo này bao bì tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, hạn sử dụng cũng mập mờ, toàn tiếng nước ngoài nên đa số người mua chỉ biết nghe theo người bán.
Theo bác sĩ Phạm Công Danh - Bộ Môn Dinh dưỡng - an toàn thực phẩm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - các loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tại các chợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn thực phẩm. Không chỉ chất bảo quản, phụ gia thực phẩm trong các loại sản phẩm ăn vặt này có thể vượt ngưỡng cho phép, mà dễ thấy nhất là hạn sử dụng quá lâu, lại bảo quản sơ sài. Người dân cần lưu ý khi mua sắm, để đảm bảo an toàn sức khỏe của mình.
Siết chặt quản lý ngay từ khâu sản xuất
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Về giá cả, theo ông Đông, Bộ Công Thương dự báo, giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn do các doanh nghiệp bán lẻ đã lên kế hoạch khuyến mại, giảm giá. Còn tại các chợ dân sinh, những ngày cận Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động tăng do nhu cầu thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, do có sự đối trọng từ các điểm bán hàng bình ổn, siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định, sẽ góp phần kiềm chế mức giá chung tại chợ dân sinh.
Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội - cho Lao Động biết, để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ “siết” chặt quản lý ngay từ khâu sản xuất. Đồng thời, ban hành các kế hoạch triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm, Tết Dương lịch 2021, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, bảo đảm hiệu quả mục đích, yêu cầu.
Ngoài ra, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong các hoạt động Tết, lễ hội, Cục QLTT Hà Nội giao các đội QLTT thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, cụ thể tại các chương trình hội chợ, khuyến mãi, các chương trình đẩy mạnh ủng hộ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thịt lợn lại "nóng" dịp Tết Nguyên đán Sau một thời gian giảm nhiệt, giá lợn hơi đã tăng trở lại từ giữa tháng 12.2020, do nhu cầu chế biến các loại thực phẩm Tết. Theo ghi nhận, hiện tại, giá lợn hơi được bán ở mức 77.000 - 78.000 đồng/kg, tăng khoảng 8.000 đồng/kg so với khoảng 2 tuần trước. Một số nơi giá lợn hơi đã chạm mốc 80.000 đồng/kg. Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù giá thịt lợn hơi có chiều hướng tăng trở lại, tuy nhiên đây là quy luật cung cầu những tháng cuối năm, dự kiến thịt lợn hơi sẽ không cao hơn 80.000 đồng/kg. 39.400 tỉ đồng phục vụ hàng Tết Trao đổi với Lao Động, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, tại Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỉ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020). Đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, thủy hải sản… đến hết tháng 12.2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Thành phố Hà Nội và các tỉnh, hai tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. C.Ngô |
Theo NHÓM PV/Lao động
https://laodong.vn/xa-hoi/bo-cong-thuong-du-bao-hang-hoa-tet-khong-thieu-gia-ca-on-dinh-867845.ldo