Năm 2020 chứng kiến hàng loạt chính sách lớn đối với ngành xe hơi tại Việt Nam, trong đó phần lớn mang lại những thay đổi tích cực cho thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bãi bỏ nhiều điều kiện nhập xe hơi
Ngay từ tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, trong đó bỏ quy định liên quan đến hoạt động nhập khẩu ô tô như: Kiểm tra theo lô, giấy chứng nhận kiểu loại và đánh giá chất lượng.
Xe nhập vào Việt Nam từ năm 2020 trở đi đã dễ thở hơn, bớt các thủ tục, điều kiện hơn
Đây được xem là chính sách hợp thời, hợp lý của Chính phủ nhằm giảm các điều kiện phát sinh, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi về nước. Đồng thời, chấp nhận và thực hiện các chính sách và quy ước quốc tế đối với lĩnh vực kinh doanh xe hơi, vốn được xem là nhạy cảm ở Việt Nam.
Trước đó, tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP, khá nhiều quy định, điều kiện nhập khẩu, kinh doanh xe hơi được đưa ra, đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân đứng ra nhập khẩu ô tô khó khăn, lâm đường cùng, phá sản.
Thuế nhập linh kiện bằng 0% với xe lắp ráp
Trong tháng 7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nhiều quy định về thuế quan đối với hàng hóa, linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam.
Bỏ thuế nhập đối với linh kiện trong nước không sản xuất được cho các doanh nghiệp xe hơi là chính sách thiết thực, hiệu quả
Đáng lưu ý nhất trong Nghị định này là việc Chính phủ đồng ý giảm mức thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được về 0% cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoặc phụ trợ ô tô.
Điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng thuế 0% nhập nguyên, vật liệu là phải cho ra đời số lượng sản phẩm thành phẩm, xe, cụm linh kiện số lượng tối thiểu riêng và chung. Một khi doanh nghiệp sản xuất được đủ số lượng riêng hoặc chung phù hợp, họ được hưởng mức ưu đãi này và ngược lại.
Chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp được coi là sáng kiến trong hàng loạt chính sách đối với ngành ô tô từ trước đến nay. Việc giảm thuế nhập linh kiện giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh về giá xe ngay tại thị trường trong nước.
Năm 2021 không còn "biệt đãi" giảm 50% phí trước bạ
Trong năm 2020, trước những khó khăn chưa từng có đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi trong nước, Chính phủ đã quyết định giảm 50% phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lần đầu.
Xe trong nước sẽ không được ưu đãi phí trước bạ, nhưng có thể nhiều hãng xe sẽ đưa ra chính sách đột biến, lối đi riêng
Động thái chính sách này đã giúp người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn các mẫu xe lắp ráp trong nước để được hưởng lợi từ vài chục triệu đồng thậm chí có xe có giá bán cao hơn có thể là vài trăm triệu đồng.
Mới đây, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn giảm phí và lệ phí 29 lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, không có phí trước bạ đối với xe trong nước, điều này có nghĩa, việc giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước đăng ký lần đầu đã chính thức hết hạn vào năm 2021.
Tuy nhiên, để tăng tổng cầu, giải quyết khó khăn cho mình và xây dựng thương hiệu, một số hãng xe sản xuất, lắp ráp hoặc nhà nhập khẩu năm 2020 đã tặng 100% phí trước bạ cho người mua xe. Thậm chí chủ trương này còn được một số hãng tiết lộ có thể tiếp tục cắt giảm 50-100% khi có đủ doanh số cần và chiếm lĩnh được thị trường mục tiêu.
Xe nhập khẩu được miễn kiểm tra khí thải
Nằm trong các chính sách gỡ khó cho các mẫu xe, dòng xe nhập, mới đây Bộ Giao thông và Vận tải ra Thông tư nêu rõ việc miễn kiểm tra khí thải đối với các mẫu xe nhập đã có giấy chứng nhận, kiểm định khí thải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trước đó cho các mẫu xe, dòng xe tương tự.
Nhiều xe nhập vào Việt Nam sau này sẽ không phải kiểm tra khí thải tại Việt Nam do cùng chủng loại nhập trước đó
Việc bỏ quy định nói trên tương tư với Bộ Công Thương bỏ quy định chứng nhận kiểu loại xe nhập khẩu trước khi cho làm các thủ tục thông quan vào Việt Nam.
Việc giảm quy trình, thủ tục kiểm tra khí thải được kỳ vọng giúp doanh nghiệp tận dụng được thời gian, tiền bạc, từ đó giúp thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn đối với các hãng xe lớn trên thế giới.
Có thể điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô
Trong Thông báo số 377/TB-VPCP ngày 11/11/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các chính sách về thuế, tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chính sách điều chỉnh Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô đang được xây dựng, chờ lấy ý kiến
Chính phủ đề xuất, nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô hay hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
Trước đó, Bộ Công Thương nhiều lần đề xuất điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi theo tỷ lệ nội địa hóa hoặc điều chỉnh đối với xe thân thiện môi trường. Cụ thể, các loại thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được giảm đối với xe có dung tích xy lanh thấp, có tỷ lệ nội địa hóa cao và đặc biệt là xe xanh, thân thiện môi trường chạy bằng điện.
Việt Nam mở bung cửa cho các dòng xe thế giới
Tính đến nay, Việt Nam đã bỏ hoàn toàn thuế nhập xe hơi nguyên chiếc từ các nước ASEAN theo cơ chế Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC - trước đó là ATIGA) được 2 năm. Hệ quả, hàng loạt mẫu xe, dòng xe Thái Lan, Indonesia đã, đang và hứa hẹn sẽ làm mưa, làm gió ở Việt Nam.
Với việc ký hàng loạt FTAs thế hệ mới, cùng nhiều cam kết về mở cửa thị trường, từ năm 2021 thị trường xe và khách hàng sẽ cảm nhận rõ hơn giảm giá nhờ giảm thuế, chi phí nhập xe
Thời gian tới, Việt Nam sẽ lần lượt thực hiện cắt giảm có lộ trình thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi với các nước EU, trong đó có các thiên đường xe như Đức, Pháp, Ý, Anh, Thụy Điển, Mexico, Nhật, Úc thậm chí cả với nước sản xuất, lắp ráp xe số 1 thế giới là Trung Quốc.
Việc cắt giảm bình quân từ 6-8% thuế suất qua các năm theo các cam kết mở cửa thị trường mà Việt Nam với các đối tác như EU (EVFTA), như 10 nước châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP) hay các nước ASEAN với 5 đối tác lớn trong cơ chế RCEP... có thể khiến thị trường xe Việt trong tương lai gần trở nên hấp dẫn hơn, cạnh tranh quyết liệt hơn.
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhung-quyet-sach-lam-doi-thay-toan-dien-thi-truong-xe-viet-nam-20210101013552494.htm#dt_source=Cate_KinhDoanh&dt_campaign=Top3&dt_medium=1