4
/
102770
Số hóa chợ truyền thống
so-hoa-cho-truyen-thong
news

Số hóa chợ truyền thống

Thứ 4, 30/12/2020 | 07:43:15
709 lượt xem

Tiểu thương chợ truyền thống đang bắt đầu tiếp cận các kênh bán hàng trực tuyến để bắt kịp xu thế, dù số lượng tham gia chưa nhiều

Năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Thói quen chi tiêu của người dân có nhiều thay đổi khi mua sắm trực tuyến tăng trưởng rất mạnh, chợ truyền thống rơi vào tình trạng ế ẩm nên tiểu thương đã chủ động đưa hàng lên mạng để cầm cự qua đại dịch.

Hiệu quả chưa cao

Ông Phạm Khắc Minh, kinh doanh các mặt hàng thời trang tại chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM), bắt đầu tập tành bán hàng online từ hơn một năm trước, khi dịch Covid-19 còn chưa bùng phát ở Việt Nam do nhận thấy xu thế khách hàng trẻ tuổi ngày càng ít đi chợ mà chuyển sang mua sắm ở các kênh bán hàng online. Tuy nhiên, do chưa thật sự chăm chút kênh bán hàng này nên theo ông, gần như không mang lại hiệu quả. "Kênh online của tôi chủ yếu chỉ để quảng cáo sạp là chính, rất ít khách hỏi mua. Một phần bởi đặc thù của chợ Bến Thành là bán cho khách du lịch, người nước ngoài. Những đối tượng này thường chỉ lên mạng tham khảo rồi đến mua trực tiếp" - ông Minh cho hay.

Theo ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1, TP HCM), tiểu thương ở chợ ít bán hàng online bởi phần lớn mặt hàng chỉ phù hợp với buôn bán trực tiếp. Nhiều sạp thường bỏ mối thịt cá, rau củ, mùng mền, tập vở… cho trường học, bệnh viện nên không có nhu cầu bán hàng online. Trong khi đó, một số sạp kinh doanh quần áo, đồng hồ có mở kênh online nhưng hiệu quả không cao, lượng khách mua không nhiều. "Tiểu thương ở chợ không thể cạnh tranh với dân bán hàng online chuyên nghiệp theo kiểu livestream trực tiếp. Chúng tôi chỉ chủ yếu chụp hình sản phẩm và đăng lên mạng kèm thông tin giá cả do không có nhiều thời gian, nên nhìn không thu hút lắm" - một tiểu thương cho hay.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP HCM), cũng phản ánh đa phần tiểu thương không thu được lợi ích từ các kênh bán hàng online tự phát nên không thực sự mặn mà.

Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, tương đương doanh thu 10 tỉ USD/năm. Còn theo Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do vậy, quá trình chuyển đổi từ hình thức đi chợ trực tiếp sang trực tuyến sẽ khó diễn ra nhanh chóng, dù cho đây là xu hướng tất yếu.

Số hóa chợ truyền thống - Ảnh 1.

Phương thức mua bán ở chợ truyền thống sẽ thay đổi khi được số hóa mạnh mẽ. Trong ảnh: Một góc chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM). Ảnh: NGỌC ÁNH

Đưa chợ truyền thống lên app

Là doanh nghiệp sở hữu siêu ứng dụng phục vụ người tiêu dùng ưa thích sử dụng dịch vụ trực tuyến, ngày 29-12, Công ty Grab Việt Nam đã chính thức công bố triển khai dự án số hóa chợ truyền thống nhằm hỗ trợ tiểu thương chuyển sang kinh doanh trên nền tảng online của GrabMart. Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, nhận xét đặc thù của tiểu thương chợ truyền thống là thiếu nguồn lực, thiếu khả năng tiếp cận công nghệ nên đang bị bỏ lại đằng sau xu thế số hóa của nền kinh tế. Do vậy, cần có doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn họ tham gia nền tảng trực tuyến với cam kết đem lại đơn hàng cho họ. Tất nhiên, bản thân tiểu thương cũng phải nỗ lực thay đổi về mặt kỹ năng tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý… khi mọi hoạt động đều được đưa lên nền tảng online.

Liên quan đến điều kiện để được đưa sạp hàng lên app (ứng dụng điện thoại), bà Lê Thị Thanh Hồng, Giám đốc phát triển và chiến lược GrabMart, cho hay tiêu chí hàng đầu là bảo đảm chất lượng, an toàn. Do đó, trước khi đưa được gian hàng lên app, tiểu thương phải trải qua nhiều bước kiểm tra, giám sát, trong đó cần có những giấy tờ như đăng ký kinh doanh, công bố sản phẩm, giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt, ứng dụng này đưa ra chương trình bao đổi, trả đối với toàn bộ sản phẩm có vấn đề, nhằm tạo áp lực khiến tiểu thương không thể bán hàng kém chất lượng. "Về giá cả, chúng tôi cập nhật biến động hằng ngày trên hệ thống theo đề xuất của tiểu thương" - bà Hồng thông tin.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chưa nhiều tiểu thương hào hứng với chương trình số hóa chợ truyền thống của Grab, bởi họ chưa nhận thấy lợi ích thực sự. "Hiện chỉ một phần người trẻ thích đi chợ online, còn các bà các cô vẫn thích đến tận nơi, nhìn và mua. Nếu doanh nghiệp cung cấp công nghệ cam kết gia tăng phần nào đơn hàng, chúng tôi mới có động lực để tham gia, bởi học và tìm hiểu về công nghệ khá mất thời gian" - một tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương bày tỏ.

Các tiểu thương cũng băn khoăn việc có phải trả hoặc chia sẻ khoản phí nào khi đưa gian hàng lên ứng dụng. Bởi vì trong bối cảnh kinh doanh ế ẩm như hiện nay, không người kinh doanh nào muốn phát sinh nhiều chi phí. "Tiểu thương hiện nay ít đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử vì sợ tốn chi phí thuê gian hàng. Nếu được Grab hỗ trợ miễn phí, tôi nghĩ số lượng tham gia sẽ lớn hơn" - chị Hà, kinh doanh quần áo tại chợ An Đông (quận 5, TP HCM), đề nghị. 

Ồ ạt bán thực phẩm tươi sống online

Theo ghi nhận của phóng viên, xu hướng đi chợ online dần trở nên phổ biến kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Một số sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki đã nhanh tay triển khai bán thực phẩm tươi sống trên sàn và thu nhận kết quả khả quan. Trước đó, ứng dụng gọi món Now cũng tung ra dịch vụ đi chợ hộ với số lượng cửa hàng tiện lợi và siêu thị đối tác không nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các ứng dụng trực tuyến hiện chỉ hợp tác với nhà bán lẻ, cửa hàng tiện lợi hoặc nhãn hàng lớn mà bỏ quên khu vực chợ truyền thống. Các chuyên gia cho rằng nếu có thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ tham gia mảng này thì mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số sẽ thực hiện nhanh hơn.


Theo Thùy Dương - Nguyễn Hải/Người lao động

https://nld.com.vn/kinh-te/so-hoa-cho-truyen-thong-20201229212823567.htm

  • Từ khóa

Nên nâng giảm trừ gia cảnh lên 20 triệu đồng, tăng theo lương tối thiểu vùng

Nhiều chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh nên tăng lên 18 - 20 triệu đồng/tháng; biểu thuế nên giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc, nới rộng khoảng cách thu...
21:16 - 26/11/2024
201 lượt xem

Hộ kinh doanh thu trên 200 triệu đồng một năm mới phải đóng thuế VAT

Chiều 26-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2025
20:16 - 26/11/2024
217 lượt xem

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu sản phẩm Việt

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, song còn nhiều thách thức với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
15:31 - 26/11/2024
353 lượt xem

Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia'

Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'. Với giá thành sản xuất...
14:04 - 26/11/2024
376 lượt xem

Đề xuất đánh thuế mua bán nhà, đất theo thời gian sở hữu

Nhằm tránh tình trạng đầu cơ, 'bong bóng' bất động sản, có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản...
11:21 - 26/11/2024
437 lượt xem