Việc giá lợn liên tục giảm là kết quả của việc đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn và nhập khẩu một phần thịt lợn bị thiếu hụt do dịch bệnh. Theo tính toán sản lượng thịt lợn những tháng cuối năm sẽ được đảm bảo.
Những ngày vừa qua, giá lợn hơi trong nước tiếp tục giảm, trong đó nhiều địa phương ghi nhận mức giảm sâu từ 3.000 – 4.000 đồng/1kg. Hiện nay, giá lợn hơi trên toàn quốc đang dao động ở mức khoảng 74.000 đồng/1 kg. Việc giá lợn giảm cho thấy, cung - cầu thịt lợn trong nước đang dần trở nên cân bằng và phù hợp với mặt bằng giá thực phẩm nói chung.
Việc giá lợn liên tục giảm là kết quả của việc đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn và nhập khẩu một phần thịt lợn bị thiếu hụt do dịch bệnh. Theo tính toán của ngành chăn nuôi, sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường trong nước những tháng cuối năm sẽ được đảm bảo, không bị thiếu. Liên quan đến nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. (Ảnh: Vietnamnet)
PV: Thưa ông, những ngày vừa qua, giá lợn hơi trên thị trường cả nước tiếp tục chiều hướng giảm sâu, vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận như thế nào về việc này?
Ông Phùng Đức Tiến: Năm nay với mục tiêu là đạt 8,5 triệu tấn thủy sản và 5,8 triệu tấn thịt các loại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tính toàn chu trình trung chuyển rất chặt chẽ và khẳng định quý 4 cơ bản cung cầu đã được kết nối. Cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua giá thịt lợn đã giảm sâu, có những nơi bán giá lợn chỉ có 70.000 đồng/kg, lượng thịt đã đáp ứng được theo đúng kế hoạch.
Về nguyên nhân, chúng ta đã tính đến chu chuyển đàn và chỉ đạo các giải pháp hết sức quyết liệt và đang đi đúng kịch bản đã định. Từ nay đến cuối năm, chúng ta đứng trước thách thức, khó khăn rất lớn, đặc biệt là ảnh hưởng Covid-19 và biến đổi thời tiết rất quyết định đến phòng chống dịch bệnh và tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt kế hoạch của năm 2020.
PV: Theo tính toán, chi phí đầu vào của 1kg lợn hơi hiện nay là khoảng 71.000 đồng/kg, trong khi đó giá lợn liên tục giảm và có thể sẽ còn có thể tiếp tục giảm sâu thời gian tới. Quan điểm của ông về thực tế này như thế nào?
Ông Phùng Đức Tiến: Tính từ thời điểm phải mua giống giá cao thì đã có sản phẩm bán, thế còn tới đây với 126.000 con cụ, kỵ, ông bà cộng với tổng đàn nái hơn 2 triệu con thì giá con giống sẽ xuống và giá thành cũng sẽ xuống, lúc bấy giờ gián bán xuống. Như vậy tỷ trọng giữa giá thành và giá bán vẫn còn hiệu quả để cho những người chăn nuôi nhỏ phát huy được.
Đảm bảo nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm.
Đồng thời hiện nay đang có hệ sinh thái nghiên cứu về an toàn sinh học cho chăn nuôi hộ trang trại nhỏ lẻ thì chúng ta sẽ đảm bảo được hiệu quả chăn nuôi của các hộ nông dân. Như vậy, chúng ta đi đồng bộ các giải pháp vừa chăn nuôi trang trại quy mô lớn vừa chăn nuôi hộ nhỏ lẻ, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thịt lợn không phải của năm 2020 mà còn những năm tiếp theo.
PV: Với những phân tích vừa rồi của ông thì từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 giá lợn sẽ còn tiếp tục biến động và rất có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, vậy Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có dự báo và giải pháp như thế nào để bình ổn giá thịt lợn thời gian tới, thưa ông?
Ông Phùng Đức Tiến: Từ nay đến cuối năm rất kỳ vọng giá dao động quanh mức 70.000 đồng/kg, như vậy là chúng ta vừa đảm bảo được chăn nuôi trong nước vừa đảm bảo được nhu cầu thực phẩm, đảm bảo lợi ích của người tham gia chăn nuôi. Trước đây chúng ta có hệ thống phân phối xã hội chủ nghĩa là các doanh nghiệp, cửa hàng nhưng bây giờ nhiều thành phần kinh tế tham gia, cho nên việc điều hành giá xuống phải có lộ trình như Bộ Công Thương từng có đợt kiểm tra thì phải có thiết chế mới xử lý được cái này.
Tôi tin chắc chắn rằng khi Ủy ban chống phá giá ra đời như kiến nghị của Bộ Công Thương, có thiết chế thì chúng ta sẽ lập lại trật tự trong phân phối vì như chúng ta đã biết việc tổng kết giá thịt lợn hơi và thịt bán ở các quầy chênh nhau từ 1,7 – 1,9 lần, như vậy phần chi phí phân phối còn rất lớn nên chúng ta phải thiết lập lại bằng cơ chế, chính sách chứ không thể nói bằng thông tin tuyên truyền đơn thuần được.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/khong-lo-sot-gia-thit-lon-nhung-thang-cuoi-nam-820864.vov