"Một nhiệm kỳ ông Trump đã đóng góp bằng 2 nhiệm kỳ của các Tổng thống khác, nhưng nếu ông Joe Biden đắc cử, nước Mỹ vẫn có những cảnh báo quan trọng cho thế giới...", chuyên gia Nguyễn Trần Bạt nói.
Hiện có rất nhiều kỳ vọng về một nước Mỹ sẽ khác hậu bầu cử, nhưng theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, mọi điều đều khá mơ hồ. Báo Dân trí đã phỏng vấn ông Bạt- chuyên gia tư vấn đầu tư, luật sư, nhà sáng lập InvestConsult về những vấn đề nước Mỹ và sự ảnh hưởng của hậu bầu cử Mỹ đối với các mối quan hệ thế giới mới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chuyên gia tư vấn đầu tư. luật sư Nguyễn Trần Bạt (Ảnh: Mạnh Quân)
Kỳ bầu cử người lãnh đạo quyền lực nhất thế giới - Tổng thống Mỹ, mọi người đều đang chứng kiến có rất nhiều xáo trộn, như cách mà nước Mỹ đã và đang trải qua thời điểm hiện nay và khiến cho thế giới nín thở, chờ đợi. Ông có bình luận gì về điều này?
Ông Nguyễn Trần Bạt: -Nghiên cứu về Mỹ, tôi thấy ông Trump sẽ đương đầu với một cuộc bầu cử gay cấn và bây giờ chúng ta đã thấy điều đó. Một tuần trôi qua rồi mà cuộc bầu cử chưa có đáp số cuối cùng, làm cả thế giới đều hồi hộp.
Thái độ của nước Mỹ với nhiều định chế quốc tế quan trọng đã thay đổi, thí dụ với NATO, WTO, WHO hoặc Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)…
Ông Trump gỡ ra nhiều quan niệm, thỏa thuận đã được định hình trong quan hệ quốc tế suốt thế kỉ XX để cấu tạo lại. Các nhà chính trị không thích ông Trump vì ông ấy đưa ra những chính sách mang tính chất tháo ra lắp lại nhiều cơ cấu của thế giới, buộc họ phải làm quá nhiều việc cùng một lúc để đối phó.
Rất nhiều người bình luận không hay về khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” hoặc cách hiểu khác nhau là "nước Mỹ trước tiên", "nước Mỹ trên hết" của ông Trump, tôi cho rằng điều đó có phần đúng. Thế giới sau nửa thế kỉ toàn cầu hóa đã trở nên lệ thuộc vào nhau, dính vào nhau một cách phổ biến.
Thế giới luôn ở trạng thái lưỡng cực và Mỹ bao giờ cũng là một cực, không ai thay đổi được địa vị của họ. Phương châm “nước Mỹ trên hết” khiến họ tự đặt mình lên trên hết, không đủ sức mạnh để thành một cực của thế giới mà cần có các đồng minh.
Tôi lấy hình ảnh Trung Quốc được ví "miếng thịt" cho tất cả các bát súp của nhân loại, họ đã thành mắt xích không thể thiếu được trong chuỗi giá trị toàn cầu, im lặng bò sát đến các lợi ích của nước Mỹ và thế giới và khiến thế giới không loại bỏ họ khỏi các cuộc chơi.
Ông có thể nói thêm về chính sách “nước Mỹ trên hết” ở góc độ kinh tế. Khi ông Trump lấy việc kéo lại việc làm, kéo doanh nghiệp Mỹ về nước để kinh tế Mỹ không phụ thuộc vào nước nào khác và dẫn đầu trong kỷ nguyên kinh tế 4.0. Liệu đây có phải là chính sách đột phá hoặc đặt nền móng cho trật tự kinh tế thế giới mới thời gian tới?
- Thế giới toàn cầu hóa thì quyền lợi của dân tộc trên hết chứ không phải cái gì trên hết. Tôi nghĩ đánh giá địa vị chính trị của các nhà chính trị chiến lược ở Mỹ cần đa diện hơn.
Giá trị chính trị của một Tổng thống, ông Trump đã có rồi, ông ấy là nhà chính trị nhìn thấy nhiều vấn đề mà nhiều nhà chính trị khác không thấy hoặc không nhận ra và có ứng xử đúng với tầm quan trọng của nhận thức và vấn đề.
Những đóng góp của ông Trump về mặt nhận thức cho nước Mỹ là không thể chối cãi và càng không thể vì thất cử mà mất đi. Cái có ích của một nhân vật chính trị chiến lược là những cái họ làm rồi, chỉ có điều nó chưa hiện hình đủ thôi. Nhiều người hỏi tôi nếu ông Biden thắng cử thì thái độ của người Mỹ với Trung Quốc có thay đổi không? Tôi nói là không!
Bởi nhận thức của Mỹ về Trung Quốc đã thay đổi dưới thời ông Trump rồi. Chính vì thế mà trong khi tranh cử, ông Biden không hề xung đột với ông Trump. Nếu không nhận thức được vai trò mới, địa vị mới của nước Mỹ đối với thế giới và đối với vấn đề Trung Quốc thì không phải nhà chính trị chiến lược.
Đặt giả thiết ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiều người dự đoán Mỹ sẽ quay trở lại với các định chế đa phương lớn trong quan hệ quốc tế mà Mỹ từng đứng đầu như TPP (nay là CPTPP), WHO, rồi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu… theo ông điều này có thể xảy ra?
- Nếu ông Biden đắc cử Tổng thống, tôi không tin ông ấy sẽ làm giống ông Trump và cũng không tin ông ấy làm đối lập hoàn toàn với chính sách của ông Trump.
Chúng ta thấy một người tẩy chay các tổ chức quốc tế có nguy cơ thất cử và thấy người đối lập với ông ta chuẩn bị thắng cử thì chúng ta kỳ vọng nước Mỹ sẽ quay lại và bắt đầu tính toán lợi ích của mình trong sự quay lại ấy.
Có thể nói, một nhiệm kỳ ông Trump đã đóng góp bằng hai nhiệm kỳ của các Tổng thống khác. Nếu ông ta tái đắc cử, ông ấy sẽ có nhiệm kì thứ hai hoàn toàn khác. Nhưng nếu ông Joe Biden đắc cử, nước Mỹ vẫn sẽ vẫn có những cảnh báo quan trọng cho thế giới mà Tổng thống Trump đã đưa ra.
Tất cả các công việc ông Trump làm là đóng góp chính trị cho nước Mỹ. Ai lãnh đạo nước Mỹ tới đây đều phải lợi dụng những đóng góp ấy. Sự thắng cử của đảng Dân chủ ở cuộc bầu cử này (nếu có) chính là sự thắng lợi của việc hiểu biết và tận dụng những đặc điểm cũng như nhược điểm của Tổng thống Trump.
Nếu có một tân Tổng thống, nước Mỹ sẽ có quan điểm khác hơn về các xung đột kinh tế, chính trị với nhiều nước lớn trong kỷ nguyên tới?
- Tôi nghĩ hình thức, thái độ có thể khác nhưng bản chất thì không. Một người rất mềm mỏng như Jon F. Kenedy, như Nixon vẫn ra lệnh ném bom vào Hà Nội nhưng năm chiến tranh ở Việt Nam. Cũng có khi một kẻ nói năng gay gắt như Henry Kessinger nhưng lại tìm cách bỏ chạy khỏi Việt Nam!
Có thể nói, một nhiệm kỳ ông Trump đã đóng góp bằng hai nhiệm kỳ của các Tổng thống khác
Nếu ông Trump tái đắc cử, có thể sẽ có một tổng thống Trump hoàn toàn khác, mềm mỏng hơn, thâm trầm hơn trong các chính sách với phần còn lại của thế giới?
- Tôi không biết sẽ thế nào, nhưng ông ấy thường giữ được mối quan hệ cá nhân rất tốt với ngài Putin, với ông Tập Cận Bình (mặc dù ông ta vẫn khiêu khích Trung Quốc), ông ta giữ quan hệ tốt với cá nhân ngài Kim Jong Un, giữ quan hệ cá nhân tốt với nhiều nhà chính trị trên thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí
Ảnh: Mạnh Quân
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/rat-mo-ho-khi-ky-vong-tan-tong-thong-my-se-quay-lai-voi-tpp-20201115235541223.htm