Để có thể cạnh tranh với cá nhập khẩu, đương đầu với cá nhập lậu từ Trung Quốc “đội lốt” cá nước lạnh Việt Nam, các DN phải đa dạng hóa sản phẩm từ cá tầm, cá hồi.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện nay, cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất là tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Sản lượng nuôi cá nước lạnh từ 95 tấn vào năm 2007 đến năm 2020 ước đạt 3.720 tấn.
Cá nước lạnh đã được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh. Việc phát triển trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bulgaria, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức.
Nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng
Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ là cá tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua các chế biến. Một số ít doanh nghiệp xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và xuất khẩu trứng cá tầm và các sản phẩm thịt cá. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hồi, cá tầm nuôi trong nước chủ yếu vẫn tập trung tại các thành phố lớn, các thành phố phát triển du lịch như Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP HCM, … Được xem là một mặt hàng tương đối mới, có giá trị cao nên những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá hồi, cá tầm nuôi trong nước xu hướng gia tăng.
Tại một số tỉnh có tiềm năng nuôi cá nước lạnh, một số cơ sở nuôi đã tiêu thụ các sản phẩm cá tầm, cá hồi ngay tại địa phương thông qua các kênh phân phối như bán lẻ tại các chợ, bán trong các siêu thị, tại các nhà hàng khách sạn cao cấp hay bán trực tiếp tại trại khi có khách du lịch đến thăm quan mô hình nuôi. Cá thương phẩm bán tại cơ sở nuôi giao động từ 150.000 đến 250.000 đồng/kg tùy thời điểm và khu vực.
Nuôi cá hồi ở Sa Pa
Một số doanh nghiệp cho biết, đầu năm 2020 do ảnh hướng của dịch COVID -19 đã tác động mạnh đến sản xuất, tiêu thụ thủy sản nước lạnh làm cho giá bán cá hồi, cá tầm giảm mạnh khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg (giảm khoảng 40%). Đến nay, sản phẩm thủy sản nước lạnh cơ bản đã tiêu thụ trở lại với giá khoảng 220.000 - 250.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các sản phẩm thủy sản nước lạnh hiện nay chủ yếu là hàng tươi sống, các tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư cho chế biến các sản phẩm từ cá hồi, cá tầm.
Theo TS Lê Thanh Lựu – Hội Nghề cá Việt Nam: Hiện nay ở các siêu thị đã thấy xuất hiện cá phi lê, cũng như các phụ phẩm lườn bụng, đầu cá hồi đông lạnh. Điều này cũng có nghĩa là thị trường đã có dấu hiệu mở rộng ra đối với một số loại sản phẩm mới khác với sản phẩm truyền thống- cá sống.
Nhu cầu tiêu thụ cá nước lạnh càng ngày càng tăng, nhưng theo TS Lê Thanh Lựu, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hơn 50% đối với cả nhóm cá hồi lẫn cá tầm. Cá hồi (salmon) nhập nội đông lạnh luôn có giá cao trong siêu thị (320.000-380.000đ/kg), thậm chí cao hơn giá cá hồi vân sống xuất ra từ trang trại (270.000-320.000/kg) nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuông. Những phụ phẩm của nhóm cá hồi này như đầu, lườn bụng cũng được bày bán tại siêu thị với giá vừa phải (30.000-50.000đ/kg) phù hợp với nhu cầu của khách hàng trung bình ở đô thị. Cạnh tranh giữa hai loài cá hồi này trên thị trường chưa phải là thách thức lớn vì sản lượng cá hồi Việt Nam rất thấp và chỉ mới cung cấp cho các khu du lịch, một số nhà hàng lớn.
“Trong trường hợp cần thiết phải cạnh tranh thì cá hồi Việt Nam sẽ mở ra hướng mới là phải tạo ra các loại sản phẩm ăn liền (cá xông khói lạnh, nóng; ruốc cá hồi, nuôi cá hồi lấy trứng….)” – ông Lựu khuyến nghị.
Trong lúc đó, sản lượng cá tầm năm 2019 của Việt Nam ước tính đạt 2500 tấn. Lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 4.500 tấn chiếm khoảng 65% nhu cầu của thị trường, nhưng số cá này nhập bằng con đường tiểu ngạch.
“Giá cá tầm Trung Quốc trên thị trường tới người tiêu dùng chỉ đạt 140.000-160.000đ/kg, trong lúc đó cá tầm nuôi tại Việt Nam giá xuất từ trang trại đã đạt 150.000-170.000 đồng/kg và người tiêu dùng phải trả 200.000-240.000đồng/kg. Rõ ràng cạnh tranh giá cả giữa cá nhập nội và cá sản xuất tại Việt Nam phụ thuộc vào chất lượng, nguồn gốc xuất xứ” – ông Lựu cho biết.
Cá tầm giống (ảnh Nguyễn Hữu)
Theo đại diện Hội nghề cá Việt Nam, cá tầm Trung Quốc hiện diện khắp mọi nơi tại các chợ, nhà hàng, siêu thị nhưng với nhãn hiệu cá tầm Việt Nam. Cá tầm Trung Quốc có chất lượng thấp, giá chỉ bằng 60-70% cá tầm nuôi tại Việt Nam là một thách thức lớn/ cạnh tranh khốc liệt đối với cá tầm nuôi tại Việt Nam. “Rõ ràng, cạnh tranh trên thị trường giữa cá tầm nuôi tại Việt Nam và cá tầm nuôi tại Trung Quốc là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất tại Việt Nam” – ông Lựu nhấn mạnh.
Cần một chiến lược cho cá nước lạnh
Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 đã bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch đối tượng, trong đó có Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Việc bãi bỏ quy hoạch phần nào gây khó khăn cho các địa phương trong quản lý sản xuất; các doanh nghiệp khó khăn trong hoạch định, xây dựng kế hoạch phát triển cá nước lạnh một cách bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù Chính phủ, các Bộ ban ngành trong thời gian gần đây đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành thuỷ sản trong đó có cá nước lạnh tuy nhiên, các cơ sở sản xuất cá nước lạnh chưa được hưởng các chính sách ưu đãi từ các chính sách trên. Phần lớn các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương thành cá giống làm cho giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với cá nhập khẩu.
Nuôi cá tầm trên hồ Đa Mi (Bình Thuận) - ảnh Nguyễn Hữu
Trong nuôi cá nước lạnh, thức ăn chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm nhưng có đến 50% thức ăn cho nuôi cá hồi được nhập khẩu với giá thành cao. Chi phí đầu tư cho các cơ sở nuôi cá nước lạnh là rất lớn, giá bán sản phẩm chưa ổn định, khó cạnh tranh với cá nước lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Bắc.
Ở khía cạnh khác, theo ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả, vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn nước lạnh lãng phí nhất là các cơ sở nuôi ở vị trí đầu nguồn nên còn tình trạng xảy ra tranh chấp về nguồn nước trong mùa khô. Với hệ thống nuôi như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước tự nhiên đặc biệt các tỉnh Tây Bắc từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm là mùa khô, không đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi nên không nâng cao được năng suất. Trong vài năm gần đây, mưa lũ đã gây thiệt hại rất lớn cho các cơ sở nuôi cá nước lạnh.
Về “dài hơi” với ngành nuôi cá nước lạnh, cần tiếp tục có được sự đầu tư về công nghệ sản xuất giống; hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn cho cá nước lạnh trong nước; áp dụng các mô hình nuôi cá nước lạnh ứng dụng công nghệ cao./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/ca-hoi-ca-tam-viet-nam-tim-huong-di-trong-cuoc-canh-tranh-moi-816305.vov