Ngoài nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, Sài Gòn còn nhiều bảo tàng mang đậm kiến trúc Pháp được xây dựng từ thế kỷ trước.
Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà có tên đầy đủ là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Ngày 7/10/1877, Giám mục Isidore Colombert đã đặt những viên đá đầu tiên để khởi công xây dựng nhà thờ trước mặt nhiều nhân vật cấp cao thời đó. Nhà thờ được hoàn thành 3 năm sau.
Với bề dày lịch sử và nét độc đáo trong kiến trúc, nhà thờ Đức Bà đã trở thành biểu tượng du lịch Sài Gòn và cả Việt Nam, là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hiện tại, nhà thờ trong quá trình trùng tu kéo dài 2 năm.
Khách sạn Continental
Khách sạn được ông Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng người Pháp khởi xây vào năm 1878 và hoàn thành 2 năm sau đó. Trước năm 1975, khách sạn trải qua thêm 2 đời chủ mới lần lượt là Công tước De Montpensier (năm 1911) và "tay anh chị" đảo Corse – Mathieu Francini (năm 1930). Đến những thập niên 1960 – 1970, chính phủ Việt Nam lâm thời bắt các cơ sở thương mại phải dùng bảng hiệu tiếng Việt nên khách sạn còn có tên là “Đại Lục Lữ Quán”.
“Đại Lục Lữ Quán” từng tiếp đón nhiều nhân vật nổi tiếng như đại văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene - tác giả quyển Người Mỹ trầm lặng, nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore – Giải Nobel văn chương 1913. Bên cạnh đó, khách sạn cũng là nơi lui tới thường xuyên của nhiều ký giả, nhà báo, chính khách và thương gia ngoại quốc hoạt động ở Sài Gòn trong thời chiến.
Ngày nay, khách sạn là một trong những tòa nhà lâu đời bậc nhất của Sài Gòn. Nhưng nét kiến trúc xưa với mái ngói đỏ, bức tường gạch, trần nhà cao và phòng khách rộng rãi vẫn được giữ nguyên.
Bưu điện Thành phố
Tọa lạc tại Công trường Công xã Paris (quận 1), Bưu điện trung tâm Sài Gòn được người Pháp xây dựng trong khoảng 1886 – 1891. Kiến trúc của Bưu điện mang phong cách châu Âu kết hợp với nét Á Đông theo bản vẽ của kiến trúc sư Villedieu cùng với người trợ tá Foulhoux. Bảo tàng nằm gần Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập và một trung tâm mua sắm tạo nên một khu vực tham quan hấp dẫn giữa trung tâm Sài Gòn ngày nay.
Nhà hát Thành phố
Sau khi chiếm được Nam Kỳ vào năm 1863, chính quyền Pháp đã mời một đoàn nghệ sĩ sang biểu diễn tại Sài Gòn. Lúc đó, đoàn hát phải biểu diễn tạm tại một căn nhà gỗ của dinh Thủy sư đề đốc tại Công trường Đồng Hồ, cũng là góc đường Nguyễn Du – Đồng Khởi hiện nay. Sau đó ít lâu, một nhà hát tạm được xây lên tại vị trí khách sạn Carevelle bây giờ. Đến năm 1898, Nhà hát TP HCM hay gọi tắt là Nhà hát Thành phố hoặc Nhà hát Lớn được khởi công ngay cạnh nhà hát tạm trước đó và khánh thành vào ngày 1/1/1900.
Đây được coi là công trình tiêu biểu và tốn kém nhất ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, do kiến trúc sư Ferret thiết kế.
Hiện nay, Nhà hát Lớn là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như opera, múa ba lê, ca nhạc, kịch nói, cải lương... cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.
Bảo tàng TP HCM
Tòa nhà do kiến trúc sư Pháp - Foulhoux thiết kế, khởi công xây dựng từ năm 1885 và hoàn thành vào 1890. Chủ trương ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại, trưng bày những sản vật trong nước nhưng khi xây xong, tòa nhà trở thành tư dinh của Thống đốc Nam kỳ. Ngày 12/9/1978, UBND Thành phố quyết định sử dụng toà nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP HCM, đến ngày 13/12/1999 đổi tên thành bảo tàng TP HCM như hiện nay.
Tòa nhà có phong cách kiến trúc gothique với phần mái mang dáng dấp kiến trúc Á Đông. Từng chi tiết nhỏ của bảo tàng đều tinh xảo và có tính thẩm mỹ cao. Ngày nay, ngoài tham quan và tìm hiểu kiến thức lịch sử, nhiều bạn trẻ còn tìm đến bảo tàng để chụp những bộ ảnh cưới, hoặc ghi lại khoảnh khắc đẹp.
Tòa nhà kiến trúc Pháp 127 năm là bảo tàng nổi tiếng ở Sài Gòn
Bến Nhà Rồng
Bến Nhà Rồng hay Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1862 và hoàn tất trong hai năm với “nhiệm vụ” ban đầu là một thương cảng lớn của Sài Gòn. Cũng tại nơi đây, một sự kiện đặc biệt trong lịch sử Việt Nam đã diễn ra. Ngày 5/6/1911, người thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành đã theo con tàu Amiral Latouche Tréville tìm đường sang châu Âu, tìm đường cứu nước. Do đó, từ năm 1975 tòa thương cảng này được Chính phủ trùng tu lại và trở thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh.
Hầu như toàn bộ kiến trúc xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng vẫn còn nguyên vẹn cho đến hiện tại, trở thành điểm tham quan nổi tiếng.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Hồ Chí Minh
Bảo tàng được xây theo lối kiến trúc “Đông Dương cách tân”, do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế. Lúc khởi xây vào năm 1926, công trình dự kiến làm Viện Triển lãm Lúa gạo (Musés du Riz), sau là Viện Triển lãm Kinh tế (Musés économique), nhưng cuối cùng lại quyết định làm Bảo tàng Blanchard de la Brosse vào tháng 11/1927. Tuy vậy, bảo tàng vẫn chưa mở ra cho dân chúng tham quan. Đến ngày 1/1/1929, chính quyền Nam Kỳ mới khánh thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse và đón những lượt khách đầu tiên.
Trong quá khứ, bảo tàng đã có rất nhiều lần đổi tên nhưng chức năng vẫn không thay đổi: Gia Định Bảo tàng viện năm 1945, Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam năm 1956, Bảo tàng Lịch sử TP HCM năm 1979, và đổi thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Hồ Chí Minh vào năm 1987 cho đến nay.
Với lịch sử hơn 100 năm, đây là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày cổ vật; là nơi học tập, nghiên cứu các di sản văn hóa. Tòa nhà còn là một minh chứng điển hình cho vẻ đẹp của kiến trúc mang phong cách Đông Dương tại Sài Gòn: sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa của Việt Nam và phong cách Tân cổ điển của Pháp.
Chợ Bến Thành
Từng được xây cất ở nhiều vị trí khác nhau trong thành phố, khu vực chợ Bến Thành hiện tại được nhà thầu Pháp Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 và đến cuối tháng 3/1914 thì hoàn tất. Theo ghi chép lại, lễ khánh thành chợ thời đó được diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30/3, với pháo hoa, xe bông và hơn 100.000 người tham dự. Tuy cái tên chợ Bến Thành có từ thời kỳ đầu, nhưng trước 1975, người dân vẫn thường hay gọi là Chợ Mới hay chợ Sài Gòn.
Hoạt động từ năm 1914 đến nay, ngôi chợ là nơi mua sắm sầm uất, là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay, trở thành hình ảnh gắn bó với ký ức của nhiều người Sài Gòn. Ngày nay, chợ là điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách lần đầu ghé Sài Gòn, đặc biệt là du khách ngoại quốc.
Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM
Trong quá khứ, bảo tàng là dinh thự của nhà tư sản người Hoa – Hứa Bổn Hòa. Tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Á Đông (Trung Quốc) và châu Âu (Pháp) dưới bàn tay tài hoa của thiết kế gia Rivera. Sau bản vẽ thiết kế đầu tiên năm 1929, công trình xây xong vào năm 1934.
Năm 1987, tòa nhà được lập thành Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, nhưng vì thiếu hiện vật nên đến năm 1992 mới đi vào hoạt động. Qua gần một thế kỷ, công trình vẫn còn giữ nguyên những nét đặc trưng của lối kiến trúc xưa, còn được biết đến là tòa nhà có nhiều cửa sổ nhất ở Sài Gòn với 99 ô cửa.
Trụ sở UBND TP HCM
Được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế dựa theo những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp, Trụ sở UBND TP HCM là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng ở Sài Gòn hiện nay.
Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên tiếng Pháp là Hôtel de ville hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà được gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn, là địa điểm làm việc của các quan chức cấp cao và diễn ra các cuộc họp của chính quyền nội đô.
Từ sau 30/4/1975 đến nay, tòa nhà trở thành nơi làm việc của UBND TP HCM. Nằm ở trung tâm Sài Gòn và ngay đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ, tòa nhà cũng trở thành một trong những biểu tượng mang nét riêng của thành phố trong mắt du khách.
Bài và ảnh: Phong Vinh/VnExpress