19
/
172666
Tiến biển là xu hướng tất yếu: 'Bấm nút' công cuộc chinh phục đại dương
tien-bien-la-xu-huong-tat-yeu-bam-nut-cong-cuoc-chinh-phuc-dai-duong
news

Tiến biển là xu hướng tất yếu: 'Bấm nút' công cuộc chinh phục đại dương

Thứ 5, 21/11/2024 | 12:59:00
95 lượt xem

Hoạt động lấn biển lần đầu tiên đã được quy định tại luật Đất đai 2024. Đây là dấu mốc quan trọng để mở ra một 'đại dương phát triển' mới xứng tầm cho dải đất hình chữ S - nơi có tới hơn 3.000 km đường bờ biển. Công cuộc tiến ra biển, bắt kịp xu hướng thế giới đã được 'bấm nút' để vươn mình mạnh mẽ.

Tiến biển là xu hướng tất yếu: 'Bấm nút' công cuộc chinh phục đại dương - Ảnh 1.

Kiên Giang sẽ mở rộng hoạt động lấn biển sau thành công của TP. Rạch Giá 

Mở rộng không gian phát triển

Sau thành công từ dự án lấn biển ở TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều khu lấn biển khác. Trong đó, có TP.Hà Tiên tăng 224,2 ha diện tích do lấn biển tại khu vực 2 phường Tô Châu, Pháo Đài và xã Thuận Yên, xã Tiên Hải; huyện Kiên Hải lấn biển 15,1ha tại khu vực xã Hòn Tre, xã An Sơn và xã Nam Du.

Một trong bốn đột phá của Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển hướng biển, mở rộng không gian, lấn biển theo quy định pháp luật, sáng tạo, độc đáo, giàu bản sắc... Điều này được nêu trong Quy hoạch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1289, ngày 3.11.2023. Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.

Đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang dự kiến tăng thêm hàng ngàn ha nhờ lấn biển. Quan điểm phát triển của Kiên Giang là khai thác hiệu quả lợi thế biển, đảo, vị trí tiếp giáp với Biển Tây để trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Theo đó, tập trung phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối mạnh mẽ các hoạt động KT-XH giữa đất liền và hải đảo…

Ngoài ra, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế hướng ra Biển Tây, xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, kết nối sức mạnh tổng hợp giữa Phú Quốc và đất liền mà hạt nhân là Rạch Giá, địa phương này sẽ nghiên cứu xây dựng khu kinh tế ven biển Rạch Giá và vùng phụ cận ở Châu Thành, An Biên…

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp thì việc lấn biển sẽ giúp các địa phương có thêm không gian mới để phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở hạ tầng mới gồm nhà ở, các công trình, tiện ích khác phục vụ nhu cầu sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, phát triển kinh tế vùng đất.

TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phân tích, nếu trên thế giới, các nước đã đi trước và đã thành công, thì việc mở mang hoạt động kinh tế biển tại Việt Nam nói chung và hoạt động lấn biển ở vùng gần bờ hoặc trên các đảo nhân tạo nói riêng dần dần sẽ trở thành hoạt động kinh tế bình thường.

Hiện tại, những vấn đề liên quan đến hoạt động lấn biển đã được chính thức quy định trong luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 102/2024 về hoạt động lấn biển. “Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, là cơ sở để các địa phương bổ sung vào quy hoạch khai thác, sử dụng vùng bờ hoặc quy hoạch không gian biển của tỉnh mình. Chắc chắn trong quy hoạch không gian phát triển của các tỉnh sẽ được bổ sung chi tiết dự án lấn biển, vì trong quy hoạch tổng thể không gian biển quốc gia thì không chi tiết đến những vùng sát bờ”, TS Dư Văn Toán nhận định.

Tiến biển là xu hướng tất yếu: 'Bấm nút' công cuộc chinh phục đại dương - Ảnh 2.

Phối cảnh Cầu Ba Lai 8 - dự án hạ tầng phục vụ cho khu kinh tế lấn biển của Bến Tre NGUỒN: BẾN TRE GOV 

Hướng ra biển để làm giàu

Cũng nằm ở miền Tây Nam bộ như Rạch Giá - Kiên Giang, Bến Tre có khoảng 1,6 triệu dân, tốc độ tăng dân số rất nhanh trong khi diện tích tự nhiên không đổi với khoảng 2.360 km2. Để có dư địa vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an cư, Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mở rộng về hướng đông với 50.000 ha lấn biển.

“Chúng tôi không còn cách nào khác nữa là phải mở rộng biên cương lãnh thổ. Nói nôm na là như thế, vì khu lấn biển là vùng để phát triển kinh tế. Trên đó sẽ có những khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư...", lãnh đạo tỉnh Bến Tre chia sẻ tại buổi họp báo về Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024.

Tỉnh Bến Tre có 65 km đường bờ biển, song chưa khai thác hết tiềm năng. Phát triển về hướng đông sẽ tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển toàn diện với mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh khá vào năm 2030 và là nơi đáng sống vào năm 2050.

“Bến Tre định hướng phát triển 50.000 ha về hướng biển sẽ đầu tư lĩnh vực thủy sản, năng lượng, cảng biển, logistics nhằm phát triển thương mại dịch vụ, du lịch và đô thị ven biển. Trong tổng số diện tích 50.000 ha lấn biển, khu vực lấn biển tại huyện Bình Đại lớn nhất với khoảng 21.000 ha, huyện Thạnh Phú khoảng 15.000 ha và huyện Ba Tri khoảng 14.000 ha. Phát triển kinh tế thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải, logistics được Bến Tre xem là những mũi nhọn kinh tế hướng ra biển để làm giàu”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam khẳng định.

Để có thể đạt mục tiêu phát triển hướng đông, lấn biển làm giàu, quyết tâm của chính quyền và người dân là chưa đủ. Khát vọng đó muốn trở thành hiện thực, không thể không có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh Bến Tre đã và đang thực hiện kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh theo cơ chế ưu đãi đầu tư đối với từng dự án hoặc theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư.

Tiến biển là xu hướng tất yếu: 'Bấm nút' công cuộc chinh phục đại dương - Ảnh 3.

Đà Nẵng có kế hoạch triển khai lấn biển để mở rộng không gian phát triển

Nhiều địa phương tiếp tục vươn ra biển lớn

Với hành lang pháp lý về hoạt động lấn biển được ban hành, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để mở rộng không gian vùng biển, phát huy thế mạnh của một quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.000 km. Cùng với quyết tâm của các địa phương, nhiều dự án lấn biển quy mô sẽ dần thành hình, sớm vượt qua con số mà Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin gần đây là cả nước có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố.

Điển hình như UBND TP.HCM cũng vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, diện tích 2.870 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9 tỉ USD, với các hạng mục như quảng trường, sân golf, resort, sân vận động, tòa tháp cao 108 tầng mang tính biểu tượng… Dự kiến đầu năm 2025, dự án sẽ được khởi công xây dựng.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây cũng công bố đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu núi Lớn - núi Nhỏ (TP.Vũng Tàu), cho phép lấn biển tại các vị trí có bãi đá, bãi sình không thuận lợi cho tắm biển, không ảnh hưởng môi trường tự nhiên nhằm cải tạo chỉnh trang các khu vực hiện hữu, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, không gian công cộng.

Hay quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng xác định mở ra không gian mới thông qua hoạt động lấn biển; phát triển kinh tế hướng biển tạo chuyển biến ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái. Đây được coi là một trong những chiến lược đột phá của tỉnh này.

Thực tế, nhiều địa phương đã và đang thực hiện lấn biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Sóc Trăng… Thành phố đầu tàu miền Trung Đà Nẵng cũng đang có kế hoạch triển khai lấn biển để mở rộng không gian phát triển, xây dựng khu thương mại tự do…

Trong khi lấn biển trở thành “hiện tượng toàn cầu” trong hơn 2 thập kỷ qua, nhiều quốc gia cũng đã mở rộng kế hoạch “chinh phục đại dương” bằng các dự án quy mô với đa dạng chức năng. Để trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển như chủ trương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam cần thúc đẩy nhiều giải pháp đồng bộ và táo bạo, đặc biệt nghiên cứu kỹ lưỡng các vị trí phù hợp để triển khai dự án lấn biển tầm cỡ. Đây là cơ hội để nhiều địa phương mở không gian phát triển, khơi dậy nội lực, đột phá và đa dạng hóa nền kinh tế.

Theo Hà Khanh/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/tien-bien-la-xu-huong-tat-yeu-bam-nut-cong-cuoc-chinh-phuc-dai-duong-185241121100128768.htm


  • Từ khóa

Sôi nổi ngày hội đua vỏ lãi miền biển Cà Mau

Cuộc đua vỏ lãi mở rộng ở miền biển Cà Mau quy tụ hàng chục tay đua đến từ các tỉnh, thành ĐBSCL; đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm...
16:16 - 21/11/2024
9 lượt xem

5 dân tộc thiểu số có dưới 1.000 người hiện sống ra sao?

Dân tộc Ơ Đu hiện chỉ có 428 người. Dân tộc Brâu chỉ có 525 người, dân tộc Rơ Măm có 639 người, dân tộc Pu Péo có 903 người, dân tộc Si La có 909 người,...
15:04 - 21/11/2024
50 lượt xem

Công nhận thêm hai bảo vật quốc gia tại Bình Định

Sáng 21/11, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia (tượng sư tử đá thành Đồ...
14:48 - 21/11/2024
44 lượt xem

Để những giá trị văn hóa tạo nên sức sống bền vững và lan tỏa

Văn hóa được sáng tạo từ con người và vì con người. Để phát huy được vai trò của văn hóa trong phát triển xã hội, để chính sách văn hóa thấm sâu, thấm...
10:30 - 21/11/2024
157 lượt xem

13 đơn vị nghệ thuật tham dự Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 đợt 1

Theo thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 đợt 1 sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 30/11, tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc....
07:03 - 21/11/2024
235 lượt xem