Nằm ở khu vực xa xôi hẻo lánh với mật độ dân số rất thưa thớt, Yukon từng là mỏ vàng. Những mảnh đá ở đây chứa những bằng chứng về sự biến đổi khí hậu trái đất xảy ra từ hàng triệu năm trước.
Nói đến núi Yukon, người ta sẽ nghĩ ngay tới “cơn sốt vàng Klondike” xảy ra vào giai đoạn cuối thế kỷ 19. Khi đó, hàng trăm ngàn người cùng đổ xô đến những ngọn núi ở Yukon, Canada theo cơn sốt.
Ngày nay, người ta tìm đến Yukon vì những lý do khác. Có những người tìm đến vì câu chuyện lịch sử của cơn sốt năm xưa. Số khác lại ném mình vào cuộc phiêu lưu hoang dã, khám phá thế giới tự nhiên của gấu, linh miêu, dê núi, bò xạ hương, cáo…
Trong khi đó, một nhóm người khác lại đến với Yukon vì mục đích tìm kiếm “vàng” cho riêng họ. Đó là những nhà địa chất đang nghiên cứu tìm hiểu các tảng đá trầm tích chứa bằng chứng về thuyết “Quả cầu tuyết trái đất”, qua đó làm sáng tỏ các lý giải về sự thay đổi khí hậu kỳ lạ khoảng 650 đến 750 triệu năm trước.
Vào tháng 7/2014, một nhà báo của BBC đi cùng các nhà địa chất học của trường đại học Harvard và McGill tới săn lung các bằng chứng, hoàn thành bức tranh về giai đoạn thay đổi khí hậu cực đoan này. Điểm đến của nhóm nhà khoa học không dễ tiếp cận, thậm chí không đi được bằng đường bộ. Một số ngọn núi ở đây còn chưa được đặt tên và nhiều người chưa đặt chân tới.
Ban đầu, cả nhóm phải di chuyển bằng máy bay trực thăng từ Mayo tới Rackla. Sau đó, họ tới chỗ cắm trại đi vào vùng núi 65 km. Khi tiến gần vào vị trí dự kiến, những đám mây lặn xuống khiến phi công phải đổi hướng vòng qua đỉnh núi. Cuối cùng, khi tìm được địa hình bằng phẳng, phi công hạ cánh xuống đất an toàn.
Đây là nơi cắm trại của cả nhóm trong vài tuần. Trại được đặt tên “Mordor” vì nằm xung quanh đó là những đỉnh núi đen. Đây là vùng núi cao, nhiều sỏi đất và không bị cây cối che khuất tầm mắt. Ngay cả động vật hoang dã như gấu cũng ít khi tìm tới đây bởi nguồn thức ăn kham hiếm.
Một ngày nọ, cả nhóm được phen thót tim khi họ quay lại chỗ cắm trại bỗng phát hiện có chiếc bóng lớn như hình ảnh một con gấu. Họ mở kế hoạch thoát hiểm và thảo luận điều này trong khoảng nửa giờ nhưng “con gấu” không chịu di chuyển. Cuối cùng, tất cả quyết định tiến lại gần thì đó lại là bóng của một tảng đá. Tất cả cười phá lên vì sự nhầm lẫn tai hại.
Cũng trong thời gian này, cả đoàn tìm thấy bằng chứng về thuyết “Quả cầu tuyết trái đất”. Nó đề cập đến giải thuyết rằng bề mặt trái đất từng hầu như hoàn toàn đóng băng trong giai đoạn từ 650 đến 750 triệu năm trước. Tại nơi xa xôi này, các tảng đá lớn nằm trong lớp trầm tích tinh thể bị kéo theo bởi những tảng đá nặng hơn rơi xuống trầm tích đáy biển. Đây là hiện tượng địa chất hiếm hoi và là lý thuyết giúp chứng minh thuyết “quả cầu tuyết trái đất”.
Những khám phá ở Yukon không như kho báu vàng mà người ta tìm kiếm vào cuối thế kỷ 19 như trước đây. Các nhà khoa học trở về sau 1 tháng nghiên cứu, với những chiếc xô chứa cả trăm tảng đá, hoàn toàn không có giá trị quy đổi về tiền tệ. Nhưng với những người làm khoa học đang nghiên cứu manh mối về quá khứ bí ẩn của trái đất, nó còn giá trị hơn vàng.
Huy Hoàng/Dân trí
Theo BBC, WK