Tôi năm nay 69 tuổi, có tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, hàng năm rút tiền lãi để sinh hoạt. Tôi muốn di chúc sổ tiết kiệm cho người thân nhưng văn phòng công chứng không công chứng di chúc.
Di chúc sổ tiết kiệm cho người thân được không? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH
* Kính chào quý luật sư.
Tôi năm nay 69 tuổi, có một ít tiền tiết kiệm gửi định kỳ 12 tháng tại một ngân hàng ở địa phương. Hàng năm theo định kỳ tôi đến ngân hàng rút tiền lãi về sinh hoạt.
Tôi muốn làm di chúc các sổ tiết kiệm này cho người thân nhưng văn phòng công chứng ở địa phương giải thích là "không thể làm di chúc sổ tiết kiệm tiền gửi được vì đây là tài sản có biến động".
Ví dụ ngày hôm nay tôi làm di chúc nhưng đến định kỳ năm tới tôi vẫn chưa mất và tôi vẫn đến ngân hàng rút tiền lãi thì ngân hàng sẽ thay sổ khác với số đăng ký và thời gian khác với sổ tiết kiệm đã được công chứng và như vậy thì di chúc sẽ không có hiệu lực.
Vì vậy kính nhờ quý luật sư tư vấn giúp tôi có cách nào để khi tôi mất đi thì những sổ tiết kiệm vẫn được giao cho đúng người thân mà tôi muốn tặng cho không.
Trân trọng cảm ơn quý luật sư và báo Tuổi Trẻ.
Bạn đọc Trương Trọng Minh - thường trú xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.
- Luật sư Trương Nguyễn Công Nhân - Công ty luật TNHH MTV Nhân Việt - trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi giải đáp đến bạn như sau:
Căn cứ điều 627 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS), di chúc có thể được lập dưới hình thức bằng văn bản hoặc di chúc miệng.
Di chúc miệng chỉ được lập khi người lập di chúc đang bị đe dọa bởi cái chết và không có khả năng lập di chúc bằng văn bản (khoản 1 điều 629 BLDS).
Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Như vậy, tại thời điểm hiện tại, bạn muốn lập di chúc để lại thừa kế là số tiền có trong sổ tiết kiệm thì phải lập di chúc bằng văn bản. Tùy thuộc vào nhu cầu mà bạn có thể lựa chọn hình thức di chúc bằng văn bản cho phù hợp.
Để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc, khi lập di chúc bạn cần phải tuân thủ:
+ Di chúc phải đảm bảo các điều kiện quy định tại điều 630 BLDS.
+ Di chúc phải đảm bảo nội dung quy định tại điều 631 BLDS.
(Nội dung cụ thể, bạn có thể tham khảo thêm điều 630 và 631 BLDS)
Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì bạn hoặc người làm chứng phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Trường hợp của bạn, văn phòng công chứng từ chối công chứng di chúc sổ tiết kiệm, bạn vẫn có thể lập di chúc sổ tiết kiệm theo hình thức bằng văn bản.
Theo Tuyết Mai/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/di-chuc-so-tiet-kiem-nhung-phong-cong-chung-tu-choi-toi-phai-lam-sao-20230201175614521.htm