213
/
173806
Tăng cường số hóa để tạo thuận lợi cho người dân trong công tác hộ tịch
tang-cuong-so-hoa-de-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-trong-cong-tac-ho-tich
news

Tăng cường số hóa để tạo thuận lợi cho người dân trong công tác hộ tịch

Thứ 2, 16/12/2024 | 16:51:00
358 lượt xem

Theo đánh giá, công tác đăng ký, thống kê hộ tịch đã có nhiều kết quả tích cực khi triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, cần thiết phải hiện đại hóa phương thức đăng ký hộ tịch, đẩy mạnh việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Trao giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế theo dịch vụ công liên thông giữa cơ sở dữ liệu về hộ tịch và bảo hiểm. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tỷ lệ đăng ký khai sinh đạt mức cao

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Tư pháp và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các Sở Tư pháp địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp…

Hội nghị thảo luận về Báo cáo tổng kết đánh giá Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, lắng nghe các tham luận, ý kiến phát biểu của bộ, ngành, địa phương để đánh giá những mặt tích cực, hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện chương trình hành động.

Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương (lần thứ nhất) năm 2014 đã thông qua Tuyên bố về đăng ký và thống kê hộ tịch và Khung hành động khu vực, phát động thập niên 2015-2024 là Thập niên đăng ký và thống kê hộ tịch của khu vực.

Cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch 2014, ngày 23/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.

Đây là chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội, là một dấu mốc quan trọng trong thể chế và cơ chế thực hiện đăng ký, thống kê hộ tịch.

Việc ban hành chương trình hành động cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với mục tiêu tổng quát là bảo đảm các sự kiện hộ tịch được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.


Đánh giá về chương trình, ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết, qua hơn 7 năm thực hiện chương trình hành động, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân. 

Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được thay đổi thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gồm hơn 10.000 UBND cấp xã, hơn 700 UBND cấp huyện) và trong thời gian tới sẽ triển khai tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Về cơ bản, pháp luật hộ tịch của Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay nơi cư trú; bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác.

Trên cơ sở đó, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua đã đạt hơn 98%.

Đặc biệt, tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh duy trì ở mức cao từ năm 2019 đến nay đều trên 98,5%, vượt chỉ tiêu đề ra (đến năm 2020 có 97%, năm 2024 có 98,5% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh).

Tỷ lệ đăng ký khai tử đã đạt được mục tiêu chương trình hành động đề ra, với tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn cuối chu kỳ cao (72,25%) phản ánh nhận thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, cũng thể hiện những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Chia sẻ những kết quả tích cực ở địa phương, bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La thông tin, đăng ký khai sinh trên địa bàn tỉnh Sơn La những năm gần đây được duy trì ở mức cao.

Cụ thể, từ năm 2016 đến 2020, tỷ lệ trẻ em sinh ra sống, được đăng ký khai sinh đạt 95,48%. Đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em cư trú trên địa bàn tỉnh được đăng ký khai sinh trước 5 tuổi đạt 96,13%. Về đăng ký khai tử, đến năm 2020, tỷ lệ các trường hợp tử vong xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm được đăng ký khai tử đạt 90,4%.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch được UBND các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả. Sở Tư pháp Sơn La đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện rà soát các trang thiết bị phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của Phòng Tư pháp và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến nay các huyện, thành phố và các xã, phường đã triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp thành phố, bà Huỳnh Thanh Yến cho hay, từ ngày 15/6/2022, thành phố thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, bản sao giấy khai sinh, bản sao trích lục khai tử và bản sao trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung của thành phố cho cá nhân, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu; thực hiện giảm các loại giấy tờ về hộ tịch phải nộp (đã có trong dữ liệu số hóa sổ hộ tịch của Thành phố Hồ Chí Minh) khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp và UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Tính đến nay, Sở Tư pháp và các cơ quan đăng ký hộ tịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp được 43.660 trường hợp xin cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch của Thành phố Hồ Chí Minh, người dân rất phấn khởi và đồng tình rất cao việc này.

Đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình, thủ tục đăng ký hộ tịch

Thứ trưởng Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG) 

Tổng kết những kết quả đạt được kể từ khi chương trình hành động được ban hành, Thứ trưởng Tư pháp Mai Lương Khôi hoan nghênh các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai thi hành chương trình để góp phần bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo đó, thể chế trong lĩnh vực thống kê, hộ tịch đã được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện việc đăng ký, quản lý, thống kê hộ tịch đồng bộ, hiệu quả; phương thức đăng ký, thống kê hộ tịch được hiện đại hóa; đẩy mạnh đăng ký hộ tịch trực tuyến…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cũng thẳng thắn nhìn nhận, quá trình triển khai chương trình hành động cũng tồn tại những vấn đề mà Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp cần nỗ lực ưu tiên giải quyết trong thời gian tới.

Thứ trưởng Tư pháp nêu rõ, việc xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử theo chương trình hành động vẫn còn là thách thức không nhỏ do việc quản lý dữ liệu sinh, tử, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử vẫn chưa có sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu sinh, tử, khai sinh, khai tử trên môi trường điện tử chặt chẽ, kịp thời giữa các ngành; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của đội ngũ công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã không đồng đều; hạn chế về nguồn kinh phí triển khai chương trình hành động; việc tra cứu, báo cáo thống kê, thu thập số liệu hộ tịch còn gặp nhiều khó khăn…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký và thống kê hộ tịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch và lĩnh vực liên quan, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, đổi mới hệ thống cơ quan đăng ký hộ tịch theo hướng bảo đảm tính khả thi, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số, hiện đại hoá phương thức đăng ký hộ tịch, đẩy mạnh việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Cán bộ phường hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình/kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị; gắn việc triển khai chương trình hành động với việc thực hiện Luật Hộ tịch; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm đạt được mọi chỉ tiêu, tỷ lệ đã đề ra.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về quyền lợi và trách nhiệm đăng ký hộ tịch, ý nghĩa, vai trò quan trọng, của đăng ký và thống kê hộ tịch toàn diện trong giai đoạn 2025-2030 vì một tương lai bền vững của Việt Nam.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; tập trung nguồn lực để hoàn thiện Dự án đầu tư công về nâng cấp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trong việc thực hiện chương trình hành động, trong đó Bộ/Ngành Tư pháp giữ vai trò chủ trì; song song với tăng cường hợp tác quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài cho công tác đăng ký và thống kê hộ tịch toàn diện, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động khảo sát, đánh giá kết quả thống kê tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử.

 Theo Trung Hưng/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/tang-cuong-so-hoa-de-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-trong-cong-tac-ho-tich-post850758.html

  • Từ khóa

Xe điện sắp an toàn hơn với hệ thống cảnh báo cháy nổ pin mới

Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một hệ thống cảnh báo sớm, giúp ngăn chặn nguy cơ cháy nổ pin trên xe điện (EV).
07:33 - 17/12/2024
9 lượt xem

Mr. Pips Phó Đức Nam bị bắt, vẫn có người bị lừa trên sàn chứng khoán ảo

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến nổi bật tuần qua (từ ngày 9-12 đến 15-12)
14:40 - 16/12/2024
429 lượt xem

5 lỗi thường gặp làm giảm tuổi thọ máy tính xách tay

Máy tính xách tay có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ bên ngoài như đồ uống đổ, phần mềm độc hại hay rơi từ độ cao.
10:39 - 16/12/2024
521 lượt xem

Cuộc đua AI tại Đông Nam Á

Sự cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo giữa các nước ASEAN đang "chủ yếu xoay quanh việc thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác với các trường ĐH hàng đầu thế...
09:13 - 16/12/2024
549 lượt xem

Apple có kế hoạch đầy tham vọng với iPad gập 'khổng lồ'

iPad gập của Apple trong tương lai sẽ có màn hình không nếp gấp, kích thước bằng 2 iPad Pro?
08:08 - 16/12/2024
586 lượt xem