Quyết định xử phạt của UBND TP Đồng Hới là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Mới đây, UBND TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với ông N.T.S (50 tuổi, trú phường Nam Lý vì hành vi hành hung và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của vợ mình là bà T.T.M.H (cùng địa chỉ).
Bà H. cũng bị xử phạt 7,5 triệu đồng do có hành vi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng là ông S.
Việc xử phạt được áp dụng theo nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Liên quan thông tin trên, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, đã có những phân tích.
Theo theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; hoặc lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Luật này nghiêm cấm hành vi bạo lực gia đình dưới mọi hình thức và yêu cầu xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình tùy theo mức độ vi phạm.
Cả hai vợ chồng trong vụ việc đều vi phạm các quy định pháp luật về bạo lực gia đình như bà H. dùng lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng (bạo lực tinh thần). Ông S. thì không chỉ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của vợ (bạo lực tinh thần) mà còn đánh đập vợ (bạo lực thể chất).
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định các hành vi bạo lực gia đình bị xử phạt theo điều 54 khoản 1 là phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Cả người vợ và người chồng đều vi phạm hành vi này, mức phạt là 7,5 triệu đồng/người.
Theo đó, quyết định xử phạt của UBND TP Đồng Hới là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh nhằm răn đe, phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên trong gia đình.
Hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực tinh thần và thể chất, không chỉ có thể bị xử lý hành chính mà trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt khi gây ra thương tích nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của nạn nhân.
Trong vụ việc tại TP Đồng Hới, việc áp dụng xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP là một quyết định đúng đắn để răn đe và ngăn ngừa hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt khi mức độ vi phạm chưa đủ nghiêm trọng để xử lý hình sự.
Hình thức xử phạt này không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật mà còn là thông điệp cảnh báo về những hậu quả của bạo lực gia đình, dù là dưới hình thức bạo lực tinh thần hay thể chất.
Theo Anh Vũ/NLĐO
https://nld.com.vn/luat-su-noi-vu-hai-vo-chong-cung-bi-phat-tien-o-quang-binh-19624121507060402.htm