BGTV- Những năm gần đây, bên cạnh việc mở rộng diện tích gieo trồng, xây dựng các vùng rau chuyên canh, bà con nông dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất rau củ quả, từ đó xây dựng các vùng sản xuất rau công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho người nông dân, tuy nhiên nhiều vấn đề trong sản xuất vẫn cần có giải pháp để việc sản xuất được lâu dài, bền vững.
Thuận lợi để phát triển
Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng và điều kiện để phát triển các loại rau củ quả, thêm vào đó, thị trường tiêu thụ rộng mở vì ngoài nhu cầu tiêu thụ của người dân, trên địa bàn còn có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn trên địa bàn, tỉnh ta vẫn đang phải nhập các loại rau từ nơi khác. Nhằm bảo đảm cung cấp đủ các loại rau cho thị trường trong tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, với mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất rau công nghệ cao (CNC) ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, cơ giới hóa... giúp mang lại năng suất, chất lượng cao, đồng thời bảo đảm an toàn sức khỏe con người và góp phần bảo vệ môi trường, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển cây rau. Trong kế hoạch sản xuất rau vụ đông 2018, các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân, trong đó, nổi bật là khuyến khích nhân rộng các mô hình điểm và không hạn chế số lượng mô hình rau, củ, quả ứng dụng CNC.
Các sản phẩm rau sạch theo hướng sản xuất CNC luôn đảm bảo chất lượng, an toàn
Tại huyện Yên Dũng, địa phương rất thành công trong việc sản xuất rau ứng dụng khoa học công nghệ mới với nhiều mô hình điểm, phát huy hiệu quả rất tích cực. Năm 2016, HTX Rau sạch Yên Dũng được thành lập với diện tích 30 ha tại cánh đồng của ba thôn Huyện, Chùa, Đông Thắng của xã Tiến Dũng. Hiện nay, 20/30 ha diện tích trồng rau của HTX đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Quỹ đất trồng rau tập trung được huy động từ 40 hộ dân góp, cho thuê lâu năm. Thông qua cách thức canh tác, sản xuất mới, nông dân được tiếp cận các phương pháp sản xuất tiên tiến. Các sản phẩm của HTX như bắp cải, súp lơ, bầu, bí, mướp, cà, dưa chuột, rau gia vị… được thị trường rất ưa chuộng.Trung bình hiện nay HTX cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn rau, củ/ngày đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Lê Xuân Kiên – Giám đốc HTX cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, HTX tiếp tục xây dựng hệ thống nhà màng; lắp đặt thí điểm hệ thống tưới văng; xây dựng khu sơ chế nông sản với các hạng mục kho lạnh, kho sơ chế, gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp... Bên cạnh đó, đơn vị thiết kế nhãn, mác in trên bao bì, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội… đã liên kết và phối hợp hiệu quả trong tiêu thụ các mặt hàng của HTX”.
Vẫn còn nhiều rào cản
Hiện nay, nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung xây dựng mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Năm nay, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất với nông dân, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn duy trì bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay, toàn tỉnh xây dựng 28 mô hình nông nghiệp CNC. Từ hiệu quả kinh tế và sự hưởng ứng từ phía người nông dân, ngành đã đề xuất với tỉnh không khống chế số lượng mà hỗ trợ cho tất cả các mô hình nhà màng, nhà lưới đạt yêu cầu.
Chi phí đầu tư lớn cũng là khó khăn với nhiều HTX khi theo đuổi con đường nông nghiệp CNC
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, trong đó nổi cộm là việc thiếu đất sản xuất, vốn đầu tư… Tại một số HTX, việc thuê lại đất từ phía người dân vấp phải nhiều trở ngại như giá thuê cao, mặt bằng sản xuất chưa đủ nếu xác định theo hướng sản xuất lớn, diện tích hạn chế khiến các HTX dù muốn cũng khó để thuê mở rộng thêm. Bên cạnh chi phí cố định lớn, các hạng mục phải đầu tư nhiều như làm nhà lưới, nhà màng, thiết bị cho khu chế biến, bảo quản nông sản… cũng khiến nhiều HTX gặp khó khăn trong việc theo đuổi con đường sản xuất nông nghiệp CNC. Vấn đề dự báo, thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, công tác xúc tiến thương mại tại một số địa phương còn hạn chế. Lực lượng cán bộ quản lý kỹ thuật nông nghiệp từ tỉnh tới cơ sở còn mỏng, nên một số chủ trương, chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Nhà nước chậm được cụ thể hoá hoặc chưa đến được với người nông dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp...
Sản xuất rau ứng dụng CNC là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị, hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp song kinh phí đầu tư không hề nhỏ. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây giống để mô hình được nhân ra diện rộng, giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu. Đây cũng là một những yếu tố quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững./.
Minh Anh