11
/
77156
Vụ điểm thi từ 8,75 thành 0: Do thí sinh, người chấm hay phần mềm?
vu-diem-thi-tu-8-75-thanh-0-do-thi-sinh-nguoi-cham-hay-phan-mem
news

Vụ điểm thi từ 8,75 thành 0: Do thí sinh, người chấm hay phần mềm?

Thứ 5, 01/08/2019 | 09:34:44
787 lượt xem

Có sự thiếu nhất quán trong thông tin giữa Bộ GD-ĐT, các đơn vị liên quan và nhận định của chuyên gia xung quanh vụ 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh Tây Ninh bị điểm 0.

Vụ điểm thi từ 8,75 thành 0: Do thí sinh, người chấm hay phần mềm? - Ảnh 1.

Điểm thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đời mỗi người. Trong ảnh: học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM xem điểm thi THPT quốc gia 2019 trên báo Tuổi Trẻ điện tử - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, nguyên nhân của sự việc này là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.

Phải kiểm tra

Trao đổi với Tuổi Trẻ về câu chuyện chấm trắc nghiệm thi THPT quốc gia, PGS.TS Trần Văn Tớp - hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa năm nay - cho biết theo quy trình chấm thi năm nay, sau khi scan các túi bài thi và mã hóa, gửi file gốc cho Bộ GD-ĐT, hội đồng chấm thi mới chuyển sang bước kiểm dò, phát hiện lỗi.

Theo ông Trần Văn Tớp, từ thực tế chấm thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ở Thanh Hóa cho thấy có hai loại lỗi ở bài thi trắc nghiệm. Một loại là lỗi bắt buộc phải sửa thì phần mềm chấm thi mới cho nhận diện chấm, đó là thí sinh tô sai số báo danh, tô sai mã đề. 

Loại lỗi thứ hai là thí sinh tô phương án trả lời quá mờ, hoặc thay đổi phương án trả lời nhưng xóa không hết phương án đã chọn trước đó, với loại lỗi này phần mềm chấm thi khuyến cáo nên kiểm tra.

"Nếu phần mềm ổn định thì trường hợp tô sai mã đề, số báo danh, hoặc tô nhầm số báo danh, mã đề của thí sinh khác, nếu không sửa, máy sẽ loại không chấm. Vì thế tôi không rõ các trường hợp thí sinh ở Tây Ninh rơi vào lỗi gì. Nhưng nếu do tô sai mã đề và số báo danh mà hội đồng chấm trắc nghiệm không kiểm tra thì cũng khó hiểu" - ông Tớp bày tỏ băn khoăn.

Đề cập đến trường hợp tô mờ, xóa không sạch, ông Tớp cho biết đây là lỗi gặp rất nhiều ở Thanh Hóa: "Chúng tôi đã phải mở 11.000 bài thi trắc nghiệm để kiểm tra lỗi do phần mềm khuyến cáo xem xét. Hội đồng chấm thi xem xét kỹ từng bài. 

Có những bài phải zoom hết cỡ để kiểm tra có đúng thí sinh đã tô phương án trả lời nhưng mờ không. Những trường hợp không rõ sẽ không sửa, nhưng những trường hợp xác định được thì sẽ sửa để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Chúng tôi đã sửa 1.000 bài thi trong số này".

PGS.TS Nguyễn Việt Hà, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn vị chấm thi trắc nghiệm cho Hà Nội, cũng xác nhận phần mềm chấm thi năm nay tự động phát hiện lỗi sai. 

"Những trường hợp tô sai số báo danh, mã đề đều báo lỗi và bộ phận chấm thi sẽ kiểm tra, đối sánh để sửa lại. Duy có trường hợp thí sinh tô nhầm mã đề, số báo danh của thí sinh vắng mặt trong buổi thi thì phần mềm có thể không phát hiện được. Tuy nhiên, hội đồng chấm thi làm đúng trách nhiệm thì phải cập nhật dữ liệu về thí sinh vắng mặt để phát hiện lỗi kiểu này" - ông Hà nói.

Bất thường nhưng vẫn công bố điểm

Ông Nguyễn Hữu Tài, trưởng phòng khảo thí - công nghệ thông tin Sở GD-ĐT Tây Ninh, cho biết trước khi công bố điểm thi, sở rà soát điểm và phát hiện có 34 bài thi (có nhiều bài thi tổ hợp với tổng 58 bài thi đơn môn - PV) bị điểm 0. Sở xác định đây là điều bất thường và đã báo cáo ngay với Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên bộ chỉ đạo những trường hợp này xử lý theo đường phúc khảo. Điểm thi vẫn được công bố.

Không chỉ lỗi của thí sinh?

Nhiều cán bộ ở các trường ĐH làm công tác chấm thi trắc nghiệm các bài thi THPT quốc gia 2019 không đồng ý với quan điểm cho rằng chỉ có lỗi của thí sinh.

Cán bộ một trường ĐH tham gia chấm thi khu vực phía Nam cho rằng nguyên nhân dẫn tới việc máy chấm sai có thể đến từ ba yếu tố: thí sinh, người chấm và phần mềm. Thí sinh có thể tô sai mã đề, chưa xóa kỹ câu trả lời bỏ, đó là lỗi của thí sinh. 

Khi chấm, cán bộ chấm thi không nhận ra các lỗi này hoặc phát hiện nhưng không biết sửa thế nào, đó là lỗi của cán bộ chấm thi. Khi phần mềm không nhận diện được bài thi, đó là phần mềm lỗi.

"Không phải lỗi nào phần mềm cũng báo. Thực tế trong quá trình chấm, chúng tôi cũng gặp trường hợp phần mềm không nhận dạng được bài thi hoặc nhận dạng không đúng. Chúng tôi phát hiện và báo cáo bộ để chỉnh sửa, cập nhật phần mềm rất nhiều lần trong suốt quá trình chấm thi" - vị cán bộ này nói thêm.

Tương tự, đại diện một trường ĐH khác cũng cho biết khi chấm thi, lúc đưa dữ liệu vào phần mềm chấm, có một số bài thi bị nhận diện ngang (trong khi phải nhận diện đứng) mới chấm được. Sau khi báo cáo bộ trường hợp này thì đã được cập nhật phần mềm chấm thi. 

Do vậy, trong trường hợp 58 bài thi bị điểm 0 tại Tây Ninh, có thể phần mềm lỗi, cán bộ chấm thi không phát hiện, không thực hiện cập nhật phần mềm. Có lẽ cán bộ chấm thi đã bỏ qua một khâu nào đó của quy trình chấm thi mới xảy ra lỗi như thế.

Bên cạnh đó, ở khâu ráp điểm, đối soát điểm cũng có thể phát hiện những bất thường này và khắc phục nhưng cũng bị bỏ qua. 

"Dù thí sinh có lỗi khi tô sai, tô mờ cũng không thể khiến một bài thi 8 điểm thành 0 điểm được, thậm chí hàng loạt bài thi, môn thi bị điểm 0 như thế. Đó là lỗi phần mềm trước tiên và cái chính là lỗi của người chấm, không phát hiện sai sót để điều chỉnh kịp thời. Nói lỗi đó hoàn toàn của thí sinh là không thỏa đáng" - vị này khẳng định.

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch (phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Hòa Bình): Dễ làm mất quyền lợi của thí sinh

ong thach 3(read-only)

Thực tế cho thấy có trường hợp lỗi do thí sinh ẩu nhưng có trường hợp sở GD-ĐT không sử dụng loại giấy in trả lời trắc nghiệm đúng yêu cầu. Trường hợp này máy scan bị lệch. Thậm chí có sở có 4 máy scan thì 2 máy chuẩn, 2 máy không chuẩn nên khi quét loạn hết cả.

Phần mềm bảo mật nên lúc quét, người chấm cũng không biết. Khi xem xét đối sánh mới phát hiện ra. Tình trạng cùng một phần mềm nhưng thiết bị vận hành không chuẩn sẽ dẫn tới các sai số. Vì thế nếu hội đồng chấm thi trắc nghiệm nào chủ quan, dựa hết vào phần mềm thì rất dễ làm mất quyền lợi của thí sinh.

Thy Anh ghi


Nhiều câu hỏi

Ai cũng hiểu chấm trắc nghiệm đều thực hiện bằng máy, hiểu nôm na là "máy chấm" nhưng phải có người điều khiển. Ví dụ như phải có người đưa phiếu trả lời trắc nghiệm vô máy quét. Khi quét xong phải có người nhập dữ liệu, chép dữ liệu qua CD. Sau đó cũng người xử lý phần mềm để giải mã, khớp điểm. Nếu người làm sai bất kỳ khâu nào thì máy cũng thua!

Với thi trắc nghiệm, lỗi do thí sinh như tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án thực tế là có nhưng Bộ GD-ĐT đã lường trước nên trong phần hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, bộ cũng xác định khâu xử lý bài thi là bước quan trọng nhất, trong đó có nêu chi tiết phần "sửa lỗi của thí sinh".

Như vậy, nếu là lỗi của thí sinh thì cán bộ chấm thi phải có trách nhiệm sửa trước vì những lỗi này nếu có sẽ dẫn đến bài thi không thể chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do thí sinh gây ra.

Đối với học sinh, kết quả kỳ thi THPT quốc gia là cả tương lai mà đơn giản vậy sao? Sở GD-ĐT Tây Ninh đã phát hiện dấu hiệu bất thường với hàng chục bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 và đã báo cáo nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chỉ đạo công bố kết quả, thay vì phải cho rà soát chấm kiểm tra lại để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh?

Các khâu chấm kiểm tra được làm tốt chưa? Cán bộ chấm thi trắc nghiệm làm tốt chưa? Nguyên nhân chấm sai từ đâu? Nếu thí sinh không phúc khảo mà nhận điểm oan sai thì giải quyết bất công như thế nào?

TRẦN HUỲNH


Theo Vĩnh Hà - Minh Giảng/Tuổi trẻ

  • Từ khóa

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi.
09:10 - 11/01/2025
160 lượt xem

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thi lớp 10 không 'chốt cứng' 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu quy định thi lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh từ năm lớp 6, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn thi này, không dành...
16:49 - 10/01/2025
558 lượt xem

Ba đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường

Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm, có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm những đối tượng này thuộc...
14:07 - 10/01/2025
637 lượt xem

Bangladesh: Hàng triệu trẻ em gái bỏ học

Giáo dục được coi là chìa khóa để thoát nghèo ở Bangladesh, đặc biệt đối với trẻ em gái.
11:22 - 10/01/2025
733 lượt xem

Chỉ xét tuyển vào lớp 6, liệu có thỏa đáng?

Việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực tại một số trường chất lượng cao tại TP HCM được nhận xét là công bằng, giảm áp lực nhưng...
09:08 - 10/01/2025
745 lượt xem