Người Hong Kong lo ngại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục sẽ khiến họ trở thành nạn nhân của một hệ thống tư pháp hoàn toàn khác.
Người biểu tình Hong Kong giơ tay thành hình chữ X để thể hiện sự phản đối dự luật dẫn độ trong cuộc biểu tình ngày 9/6. Ảnh: AFP.
Người Hong Kong hôm 9/6 đổ xuống đường để biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục. Một nhà tổ chức biểu tình cho biết hơn một triệu người đã tham gia tuần hành, trong khi cảnh sát nói rằng con số này là 240.000 người.
Cuộc biểu tình biến thành bạo lực vào rạng sáng 10/6 khi cảnh sát tới giải tán những nhóm biểu tình nhỏ vì thời gian cho phép biểu tình đã hết. Hàng trăm người biểu tình nổi giận, tấn công cảnh sát bằng hàng rào sắt và chai lọ, buộc lực lượng chống bạo động phải trấn áp bằng dùi cui và hơi cay.
Tâm điểm trong nỗi bức xúc khiến người Hong Kong đổ xuống đường biểu tình bất chấp nắng nóng chính là dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sắp được đưa ra tranh luận trước cơ quan lập pháp Hong Kong vào ngày 12/6. Nếu dự luật này được thông qua, cư dân Hong Kong, công dân Trung Quốc cùng những người nước ngoài sống tại trung tâm tài chính toàn cầu này đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu họ bị truy nã ở Trung Quốc đại lục.
Chính quyền Hong Kong lần đầu tiên đưa ra đề xuất dự luật vào tháng 2 nhằm đơn giản hóa việc dẫn độ từng trường hợp nghi phạm hình sự đến các vùng nằm ngoài 20 nơi Hong Kong đã ký hiệp ước dẫn độ, chẳng hạn như Trung Quốc đại lục, đảo Đài Loan và Macau. Mục tiêu của dự luật là bít lại điều mà các quan chức Hong Kong nhiều lần mô tả là "lỗ hổng" khiến cho thành phố trở thành "thiên đường" cho tội phạm từ Trung Quốc đại lục tràn sang.
"Lỗ hổng" này được thể hiện rõ trong vụ án cư dân Hong Kong Chan Tong-kai năm 2018 giết bạn gái Poon Hiu-wing khi hai người đi nghỉ ở Đài Loan. Sau khi trở về Hong Kong, Chan thừa nhận đã giết Poon nhưng cảnh sát Hong Kong không thể buộc tội giết người với anh ta hay dẫn độ anh ta sang Đài Loan vì không có thỏa thuận dẫn độ giữa hai bên.
Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được quyền duy trì một hệ thống pháp lý riêng biệt, độc lập với đại lục và hai bên cũng không ký bất cứ thỏa thuận dẫn độ nào.
Người biểu tình lo ngại rằng dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác. Nhiều người gọi đây là động thái thân Bắc Kinh và bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục. Một số chính trị gia đối lập nói vấn đề này là bước ngoặt cho tình trạng tự do của thành phố.
"Nếu Trung Quốc có thể tùy ý đòi dẫn độ người nào đó sang đại lục, điều đó sẽ hủy hoại không chỉ lối sống mà còn phá hủy nền kinh tế của chúng tôi ở Hong Kong bởi nhiều người sẽ rời khỏi nơi này", người biểu tình Tommy Lo nói.
"Đây là một đạo luật hà khắc sẽ ảnh hưởng đến tương lai thế hệ tiếp theo của chúng tôi", cụ bà họ Wong, 70 tuổi, tham gia cuộc biểu tình ngày 9/6, nói.
Trong khi đó, giới chức Hong Kong nhiều lần nhấn mạnh rằng không phải mọi yêu cầu dẫn độ đều tự động được đáp ứng nếu dự luật này có hiệu lực. Các thẩm phán Hong Kong sẽ đóng vai trò như "người gác cổng", quyết định có chấp nhận dẫn độ hay không trong các phiên tòa và bị cáo có thể kháng cáo. Tuy nhiên, một số thẩm phán nói rằng việc Trung Quốc đại lục ngày càng có quan hệ chặt chẽ với Hong Kong và phạm vi điều trần dẫn độ hạn chế sẽ khiến họ phải đối mặt với áp lực chính trị từ Bắc Kinh.
Mỹ, Anh và Đức đã bày tỏ lo ngại về dự luật này. Một số phái viên của Liên minh châu Âu đã gặp trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam để phản đối. "Đó là đề xuất giáng một đòn khủng khiếp chống lại luật pháp, sự ổn định và an ninh của Hong Kong, vào vị thế của Hong Kong là một trung tâm thương mại quốc tế tuyệt vời", Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong trước khi thành phố được bàn giao cho Trung Quốc, nói hồi tuần trước.
Trong khi đó, bà Lam và các quan chức Hong Kong kiên quyết bảo vệ dự luật, nhấn mạnh rằng cần có nó để xử lý vụ giết người ở Đài Loan và bít "lỗ hổng". Tuy nhiên, Đài Loan cũng phản đối dự luật này vì cho rằng nó khiến cư dân của họ gặp rủi ro khi đến Hong Kong.
Video: DlutdnnTrungQuckhinngiHongKongnigin-VnExpress.mp4
Người biểu tình Hong Kong đụng độ với cảnh sát rạng sáng 10/6.
Bà Lam và các đồng minh khẳng định rằng sẽ có các biện pháp bảo vệ bị cáo, có nghĩa là bất kỳ ai có nguy cơ bị đàn áp chính trị, tôn giáo, tra tấn, xử tử sẽ không bị dẫn độ.
Mặc dù giới lãnh đạo Hong Kong đã đưa ra hạn chế là dự luật dẫn độ chỉ được áp dụng cho tội ác nghiêm trọng và loại trừ 9 tội danh kinh tế cụ thể, không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ hủy hoặc hoãn kế hoạch bỏ phiếu để cho phép tham vấn rộng rãi hơn về những tác động của dự luật. Các quan chức Trung Quốc công khai ủng hộ chính quyền Hong Kong, nói rằng đây là vấn đề chủ quyền. Dự luật có khả năng được thông qua vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, một số chính trị gia đối lập tin rằng lập trường của chính quyền Hong Kong đang bị dao động và họ có thể "xuống nước" nếu như có thêm nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra.
"Người dân đang thể hiện lo ngại bằng cách thành lập các nhóm riêng", Rose Wu, thành viên tổ chức phi chính phủ Mặt trận Nhân quyền Dân sự, nói, nhắc đến việc sinh viên, người đi làm và bà nội trợ đã ký vào hàng trăm kiến nghị trên mạng từ tháng trước để phản đối dự luật. Ở nước ngoài, các cuộc biểu tình cũng được tổ chức tại hơn 20 thành phố trên toàn thế giới.
"Phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ trên khắp thế giới là cú huých lớn cho những người Hong Kong phản đối dự luật", Wu nói thêm.
Theo Phương Vũ/VnExpress