Điều đáng lo ngại sâu sắc đối với cả khu vực và thế giới không chỉ có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế hiện tại hay trong quá khứ, mà còn cả về những hành vi tương tự, thậm chí còn có thể nghiêm trọng hơn của Trung Quốc trong tương lai ở khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: T.L
Trung Quốc chủ ý bất chấp luật pháp quốc tế
Từ đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và hoạt động dài ngày ở đó. Nhóm tàu này bao gồm tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu thuyền hộ tống có vũ trang cũng như không vũ trang.
Cả sau 10 lần phía Việt Nam làm việc chính thức với phía Trung Quốc, cả sau nhiều lần phía Việt Nam phản ứng rất mạnh mẽ và kiên quyết thể hiện thái độ phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay nhóm tàu thuyền này ra khỏi phạm vi khu vực biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với và trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và luật pháp quốc tế, cả khi bị dư luận thế giới phản đối rộng rãi, phía Trung Quốc vẫn để cho nhóm tàu thuyền này hiện diện và hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Rõ ràng là Trung Quốc chủ ý bất chấp UNCLOS và luật pháp quốc tế và cố tình xâm hại chủ quyền quốc gia của Việt Nam. UNCLOS mà Trung Quốc cũng tham gia quy định rất rõ ràng, cụ thể và không thể hiểu nhầm được về quyền hạn, quyền lợi và trách nhiệm của các quốc gia ven biển và của các quốc gia khác khi đi vào vùng biển của các quốc gia ven biển. Luật pháp quốc tế hiện hành có giá trị ràng buộc với tất cả các quốc gia trên thế giới chế tài rất cụ thể và rõ ràng cách hành xử của các quốc gia trong quan hệ quốc tế với nhau và trong các vấn đề liên quan đến biển. Trung Quốc đã vi phạm thô bạo tất cả những quy định ấy.
Điều đáng chú ý và khiến lo ngại sâu sắc là Trung Quốc chủ ý gây chuyện khi giữa Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển rất tốt đẹp và thiết thực, khi hai bên đã nhiều lần khẳng định là giải quyết mọi vấn đề vướng mắc thông qua đàm phán và đặc biệt là cùng nhau giải quyết mọi bất đồng ở khu vực Biển Đông và liên quan đến khu vực này thông qua đàm phán và dựa trên cơ sở là UNCLOS và luật pháp quốc tế.
Những hành động như thế của Trung Quốc không chỉ thách thức các nước trong khu vực, luật pháp quốc tế và dư luận thế giới mà còn thực sự đe doạ hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực, huỷ hoại mọi cơ hội và khả năng hợp tác ở khu vực vì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Đáng chú ý đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xâm hại chủ quyền của Việt Nam và có hành vi vi phạm UNCLOS và luật pháp quốc tế ở khu vực này.
Những hành vi phi pháp được Trung Quốc triển khai thực hiện một cách có hệ thống và bài bản, nhất quán và ngoan cố, lặp đi lặp lại nhiều lần và theo mô thức khá giống nhau để tạo tình trạng mập mờ trên thực địa và lấp liếm trên dư luận. Cho nên, đáng lo ngại sâu sắc đối với cả khu vực và thế giới không chỉ có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế hiện tại hay trong quá khứ mà còn cả về những hành vi tương tự, thậm chí còn có thể nghiêm trọng hơn của Trung Quốc trong tương lai ở khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết đòi Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn những hành vi xâm hại chủ quyền
Trong chuyện này, từ trước tới nay Việt Nam luôn ứng xử rất đúng đắn và thiện chí, luôn phù hợp với quyền lợi, quyền hạn và trách nhiệm của Việt Nam theo tinh thần và lời văn của UNCLOS và luật pháp quốc tế, luôn kiềm chế và thiện chí với Trung Quốc, luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Việt Nam đối với hoà bình, an ninh và ổn định chung cho cả khu vực Biển Đông.
Nhìn vào dư luận của thế giới về những hành động của Trung Quốc ở khu vực từ trước đến nay cũng như cụ thể trong vụ việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy Trung Quốc hoàn toàn bị cô lập và mọi lập luận của Trung Quốc đều bị coi là nguỵ biện trí trá và lấp liếm.
Việt Nam và thế giới có quan điểm chung, tiếng nói chung và sự thể hiện thái độ chung vì đều nhận thấy và ý thức được về mức độ nguy hiểm và nguy hại của việc Trung Quốc vi phạm và bất chấp UNCLOS và luật pháp quốc tế, về việc những hành vi như thế của Trung Quốc đe doạ nghiêm trọng hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông, làm cho việc giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho tất cả các bên liên quan ở khu vực này càng thêm khó khăn, phức tạp và kéo dài.
Cũng vì thế mà dư luận chung trên thế giới đồng tình với Việt Nam kiên quyết đòi Trung Quốc phải chấm dứt ngay và hoàn toàn những hành vi xâm hại chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, rút ngay lập tức nhóm tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đại sứ Trần Đức Mậu, Nguyên vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao
Theo Lao động