Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Hầu hết các vụ đánh nhau là vì nhậu. Rồi gần đây là xâm hại tình dục, thủ phạm đều kể là vừa uống 1 ly bia nên không kiểm soát được. Rồi tai nạn giao thông vì say, không kiểm soát được tay lái… Nhiều gia đình tan nát chỉ vì nhậu!”.
>>Chủ tịch Quốc hội: Ép uống rượu bia là thứ “văn hóa… khác lạ”!
>>Rượu bia gây hơn 230 bệnh nhưng được quảng cáo như “chất men thành công”!
Rượu bia làm gia tăng nạn xâm hại tình dục trẻ em
Chiều 24/4, Ủy ban về các vấn đề xã hội (Quốc Hội khóa XIV) đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 12 kéo dài 3 ngày (24/4 - 26/4) tại TPHCM. Trong phiên khai mạc, Ủy ban đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ủy ban về các vấn đề xã hội (Quốc Hội khóa XIV) đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 12 kéo dài 3 ngày (24/4 - 26/4) tại TPHCM
Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đã có báo cáo tóm tắt dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với nhiều nội dung thay đổi so với dự thảo ban đầu của đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo là Bộ Y tế.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đánh giá ban đầu mục tiêu xây dựng luật này với rất nhiều điều luật tiến bộ có khả năng thay đổi nhận thức, hành vi của xã hội, tiến tới hạn chế tác hại của rượu bia. Thế nhưng, nhiều điều luật tiến bộ đã phải loại ra và ông nghi ngại tính hiệu quả của luật này khi đi vào cuộc sống.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nghi ngại tính hiệu quả của luật này khi đi vào cuộc sống
Nhiều đại biểu cũng đồng tình với ý kiến của ông Thắng, cho rằng các điều luật chưa thể hiện hết mong muốn của người làm luật, cần lấy ý kiến sâu rộng và làm cẩn trọng, làm rõ các quy định còn mang tính chung chung.
Thậm chí, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phải yêu cầu các đại biểu khi phát biểu đề nghị cho cả ý kiến là dự thảo là có đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua trong kỳ tới không?
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp
Tuy nhiên, là đơn vị soạn thảo dự thảo Luật này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, cho rằng hiện nay phòng chống rượu bia đã quá cấp thiết, và luật này cũng đã dời 1 lần rồi, không lẽ dời lại lần 2?
Bà Tiến cho rằng: “Rượu bia không chỉ gây hại cho sức khỏe, là tác nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm các bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, tâm thần... mà nó còn gây ra nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng. Các ca nhập viện vì đánh nhau ngày tết hầu hết là do nhậu. Rồi gần đây nhất là xâm hại tình dục, thủ phạm đều kể là vừa uống 1 ly bia nên không kiểm soát được. Rồi tai nạn giao thông vì say, không kiểm soát được tay lái… Nhiều gia đình tan nát chỉ vì nhậu!”.
“Điều quan trọng nhất là rượu bia tác động đến thần kinh trung ương, khiến người dùng nó không kiểm soát được hành vi. Bình thường cũng văn minh, lịch sự lắm, nhưng rượu bia vào là khác. Rồi dẫn đến bạo lực gia đình, đánh nhau gây thương tích, giết người, gây tai nạn giao thông, xâm hại tình dục trẻ em...”, bà Tiến nói thêm.
Do đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, luật này đã quá cấp thiết, dù nó chưa đủ mạnh như những người soạn thảo mong muốn ban đầu nhưng ít ra cũng sẽ có tác dụng nhất định trong việc hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan như hiện nay.
Nữ Bộ trưởng nói: “Nếu 7 năm trước luật Phòng chống tác hại của thuốc lá không ra đời thì có lẽ bệnh viện hiện nay còn nhiều ca đột quỵ hơn nữa. Chúng ta phải làm quyết liệt cho ra luật này để người dân 5 năm sau được hưởng thành quả của nó, dù ít hay nhiều!”.
“Tác hại của bia không khác gì rượu!”
Bộ trưởng Bộ Y tế: "Nhiều gia đình tan nát chỉ vì nhậu!”
Điều nhiều đại biểu băn khoăn là các điều khoản cấm quảng cáo, tài trợ, khuyến mãi, bán bia trên internet đều bị bỏ trong dự thảo mới này. Theo các đại biểu, đây là những điều luật tiến bộ với hy vọng sẽ hạn chế tình trạng sử dụng bia nhiều như hiện nay.
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, lo ngại việc bỏ bia ra trong các hành vi bị cấm sẽ gây hiểu nhầm trong người dân là chỉ cấm rượu thôi, còn bia thì thoải mái. Cho nên, bà đề nghị nên cân nhắc lý giải về vấn đề này.
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước
Nhiều đại biểu lo ngại luật này còn chung chung, thiếu hiệu lực thực thi
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý việc để các hãng bia tài trợ, quảng cáo phải hết sức thận trọng. Bà lấy ví dụ ở 1 cuộc thi đua xe đang diễn ra rầm rộ ở Hà Nội, trong khi Bộ chưa nắm là có hãng bia nào tài trợ cho cuộc đua này hay không thì đại diện WHO (tổ chức Y tế Thế giới) đã gửi email cho bà cảnh báo vấn đề. Bà nói: “Điều đó cho thấy thế giới hết sức coi trọng việc kiểm soát, hạn chế bia chứ không chỉ riêng rượu”.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong, Ủy ban các vấn đề xã hội đã tiếp thu ý kiến và sửa các quy định này trên nguyên tắc là quản lý thức uống theo nồng độ cồn, sẽ quản lý chặt các loại thức uống trên 15 độ, các loại dưới 15 độ thì giãn ra.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Tác hại của bia không khác gì rượu"
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Tác hại của bia không khác gì rượu, đều tác động trực tiếp đến thần kinh trung ương của người dùng, tác động đến khả năng kiểm soát hành vi của họ. Tuy nồng độ cồn của bia thấp nhưng uống nhiều thì tác hại cũng như nhau. 1 chai bia 330ml thì cũng bằng cốc rượu vang 200ml, bằng 1 ly rượu mạnh 100ml rồi. Nó cũng tính ra độ cồn cả!”.
Theo Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn/Dân trí