Sau vụ người đàn ông cưỡng hôn chỉ bị phạt 200.000 đồng, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có hành lang pháp lý đầy đủ đối với hành vi quấy rối tình dục.
Vụ việc người đàn ông có hành vi sàm sỡ, ép hôn nữ sinh trong thang máy tại tòa chung cư Golden Palm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Dư luận cho rằng, hành vi này chỉ bị phạt 200.000 đồng là quá nhẹ và thực sự không có giá trị giáo dục để răn đe đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm và thân thể của phụ nữ. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần thiết sớm có một hành lang pháp lý đầy đủ và đủ mạnh để điều chỉnh quy định, cũng như các chế tài đủ sức răn đe phòng ngừa và giáo dục những hành vi tương tự.
Hình ảnh nữ sinh bị sàm sỡ (Ảnh: Cắt từ video)
Theo dõi vụ việc trên các phương tiện truyền thông đại chúng vụ việc người đàn ông cưỡng hôn nữ sinh trong tháng máy trong những ngày qua, chị Lê Thị Ngọc, ở Mỹ Đình, Hà Nội rất bức xúc. Với hành vi này, chị Ngọc cho rằng, mức phạt hành chính 200.000 đồng là quá nhẹ, theo đó nếu pháp luật không nghiêm sẽ tạo một tiền lệ xấu, thói quen coi thường phụ nữ của một bộ phận trong xã hội. Đồng thời, sẽ có một số người sẵn sàng vi phạm để chịu phạt đối với các hành vi tương tự.
“Qua vụ việc này, tôi rất bức xúc, với mức phạt 200.000 đồng là quá nhẹ, mặc dù mức phạt này là khung luật pháp quy định. Tuy nhiên, tôi nghĩ nên có phương án thay đổi mức phạt để tăng tính răn đe bởi vì đối tượng người phụ nữ và trẻ em là những đối tượng cần được bảo vệ”, chị Ngọc bày tỏ.
Liên quan đến nội dung này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh cho rằng, về cơ bản, công an quận Thanh Xuân xử phạt hành chính theo điểm a, khoản 1, điều 5, nghị định 167/2013 là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện tại.
Tuy nhiên, qua vụ việc, dư luận quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi, đó là việc xây dựng pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh. Đồng thời, theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, khi xã hội lên án những hành vi như dâm ô chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay xúc phạm danh dự, có dấu hiệu của việc quấy rối tình dục thì cần phải xem xét đến việc liên quan đến những loại tội phạm này. Vì vậy, rất cần thiết sớm cho ra một hành lang pháp lý đầy đủ để điều chỉnh quy định, cũng như cần đặt ra chế tài đủ sức răn đe phòng ngừa và giáo dục.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu quan điểm: "Rõ ràng chúng ta đang thiếu luật cho việc liên quan đến quấy rối tìn dục và tấn công tình dục nhưng quan trọng hơn là bản thân người dân cần phải thực hiện hết quyền năng pháp lý của mình được trao.
Chẳng hạn trong vụ việc này, nạn nhân là cô gái sau khi nhận được thông báo về quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng của anh kia thì hoàn toàn có thể xin quyết định đó để làm cơ sở để khởi kiện tại Tòa dân dự để đề nghị thường và xin lỗi công khai và tại phiên tòa thì vụ mọi chuyện sẽ được giải quyết theo hướng thượng tôn pháp luật. Tôi ủng hộ cho những phương án như thế này".
Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội, vụ việc cho thấy, đây là hành vi tấn công tình dục mà không phải là quấy rối tình dục.
Các cơ quan pháp luật cũng có cân nhắc việc chúng ta bổ sung quy định pháp luật rõ ràng hơn với tội danh tình dục. Bởi lâu nay chúng ta gặp khó khăn thiếu công cụ để có thể giải quyết những vấn đề để thực sự xử lý một cách đích đáng những hành vi xâm phạm, xâm hại, xúc phạm đến danh dự của phụ nữ và trẻ em.
Có thể thấy, hiện chúng ta gặp khó khăn thiếu công cụ để có thể giải quyết những vấn đề về những câu chuyện cụ thể như: cháu bé ở Chương Mỹ bị xâm hại tình dục hay cháu bé bị dâm ô ở Bắc Giang, câu chuyện quấy rối tình dục ở Quảng Trị… Do đó, điều này đang đặt ra cho các ngành làm luật, các nhà hoạch định chính sách hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo sức nặng, tính răn đe với các hành vi xâm hại, quấy rối tình dục… trong thời gian tới./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV1