11
/
172979
Xét tuyển ĐH 2025: Những điều chỉnh về tổ hợp môn
xet-tuyen-dh-2025-nhung-dieu-chinh-ve-to-hop-mon
news

Xét tuyển ĐH 2025: Những điều chỉnh về tổ hợp môn

Thứ 5, 28/11/2024 | 09:04:00
87 lượt xem

Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh, dự kiến áp dụng cho năm 2025. Trong đó, một trong các nội dung được quan tâm nhất liên quan tới tổ hợp môn xét tuyển ĐH.

VĂN HOẶC TOÁN LÀ MÔN BẮT BUỘC

Trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, vấn đề tổ hợp môn xét tuyển là một trong các nội dung sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), dự thảo quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn.

3 môn này cần phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

Học sinh lớp 12 năm nay sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH năm 2025 với nhiều thay đổi

Như vậy, quy định về tổ hợp môn xét tuyển trong dự thảo này cơ bản không khác nhiều so với quy định trước đó. Các trường ĐH xây dựng tổ hợp môn xét tuyển gồm ít nhất 3 môn, trong đó văn hoặc toán là bắt buộc và các môn còn lại cần phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của ngành đào tạo.

Nhận định về chủ trương này, thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng nội dung dự thảo quy định các trường không giới hạn tổ hợp xét tuyển nhưng bị ràng buộc về tỷ lệ các môn trong tổng điểm xét, là phù hợp và đúng với nguyện vọng của nhiều trường.

TĂNG SỐ LƯỢNG TỔ HỢP XÉT TUYỂN CHO CÁC NGÀNH

Theo đúng định hướng này, nhiều trường ĐH đã dự kiến xây dựng tổ hợp xét tuyển cho năm 2025 gồm 3 môn, mỗi tổ hợp có ít nhất môn văn hoặc toán. Ví dụ, Trường ĐH Kinh tế-Luật định hướng áp dụng 5 tổ hợp xét tuyển cho tất cả các ngành. Cụ thể gồm: toán - tiếng Anh - ngữ văn, toán - tiếng Anh - vật lý, toán - tiếng Anh - tin học, toán - tiếng Anh - giáo dục kinh tế và pháp luật, toán - lý - hóa.

Theo thạc sĩ Cù Xuân Tiến, định hướng xây dựng tổ hợp này của trường đáp ứng các điều kiện cần có của dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến. Mỗi tổ hợp gồm 3 môn, môn toán xuất hiện trong tất cả các tổ hợp. Bên cạnh tổ hợp truyền thống, trường xây dựng thêm tổ hợp mới có bổ sung môn mới trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật). Không còn quy định ràng buộc mỗi ngành có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển, trường dự kiến áp dụng 5 tổ hợp xét tuyển cho tất cả các ngành.

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trường cũng định hướng có nhiều hơn các tổ hợp xét tuyển cho năm 2025. Trong đó, các tổ hợp dự kiến mở rộng thêm các môn mới có trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. "Tuy nhiên, mỗi tổ hợp vẫn gồm 3 môn theo nguyên tắc có 1-2 môn cốt lõi cần có của một ngành học", tiến sĩ Nhân khẳng định.

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho biết định hướng tổ hợp xét tuyển của trường giữ ổn định, không thay đổi nhiều. So với năm 2024, trường bỏ các tổ hợp không còn phù hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Các môn chủ yếu trong tổ hợp xét tuyển của trường gồm: toán, văn, lý, hóa và ngoại ngữ. Riêng phương thức xét tuyển theo quá trình học tập từ lớp 10 đến lớp 12, tổ hợp xét tuyển cũng được xây dựng dựa trên các môn học bắt buộc và môn học chính như trên.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhưng đảm bảo nguyên tắc 3 môn trong tổ hợp. Theo đó, vẫn đảm bảo duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024 trong các phương thức có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT phù hợp với các môn thi từ năm 2025. Đồng thời, trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp như loại bỏ các tổ hợp có môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thêm mới các tổ hợp có môn giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Ngay với phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng quy về thang điểm 30 gồm điểm 1 môn chính nhân hệ số 2 cộng điểm 1 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển từng ngành. Riêng ngành giáo dục quốc phòng-an ninh dự kiến tuyển sinh bằng thi năng khiếu, dựa vào điểm 3 môn: điểm 1 môn văn hóa từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc kỳ thi tốt nghiệp THPT và 2 môn thi năng khiếu. 

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Năm 2025, Trường ĐH Công thương TP.HCM cũng dự kiến có 4 tổ hợp xét tuyển và mỗi tổ hợp gồm 3 môn cho mỗi ngành đào tạo. Các tổ hợp áp dụng cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm học tập THPT năm 2025. Trong đó, toán được xem là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành: công nghệ thông tin, kế toán, tài chính ngân hàng và các ngành kỹ thuật. Ngữ văn là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành có liên quan đến quản trị và xã hội như: quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, luật kinh tế. Tiếng Anh là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành: ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc.

Trong khi đó, theo PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), trường đang đề xuất với ĐH Quốc gia TP.HCM để kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép tổ hợp xét tuyển gồm 2 môn. Trong đó, tổ hợp gồm 1 môn cứng (toán hoặc văn) và một môn thuộc nhóm tự chọn (lý, hóa, sinh…). Tuy nhiên, ông Phúc cho biết trường sẽ có quyết định chính thức theo tinh thần của quy chế tuyển sinh chính thức.

Có bất lợi giữa các tổ hợp khi xét tuyển ĐH?

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc toán và ngữ văn; 2 môn lựa chọn nằm trong các môn: hóa, lý, sinh, địa, sử, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ và ngoại ngữ.

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) trong Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024 vừa qua, giai đoạn 2020 - 2024 mỗi năm cả nước có khoảng 900.000 - 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh thi 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và một trong số 2 bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Tuy nhiên, số liệu tổng hợp những năm gần đây cho thấy số thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên luôn thấp hơn khoa học xã hội (trừ ở TP.HCM theo hướng ngược lại). Đáng chú ý, thống kê cho thấy điểm trung bình các môn khoa học xã hội tăng nhẹ hằng năm. Ngược lại, các môn khoa học tự nhiên có điểm ổn định và thấp hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thí sinh có xu hướng chọn bài thi khoa học xã hội để có lợi thế khi đăng ký xét tuyển ĐH.

Theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng, đây cũng là yếu tố có phần bất lợi giữa các tổ hợp khi xét tuyển ĐH khi không ít trường đang xét tuyển nhiều tổ hợp cho cùng một ngành nhưng lại lấy cùng mức điểm chuẩn.

Theo Hà Ánh/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/xet-tuyen-dh-2025-nhung-dieu-chinh-ve-to-hop-mon-185241127173718219.htm

  • Từ khóa

Không khí ô nhiễm khiến trẻ em Ấn Độ... 'thất học'

Với tình trạng ô nhiễm nặng nề, các trường học ở thủ đô Delhi, Ấn Độ, buộc phải chuyển sang hình thức học trực tuyến để bảo vệ sức khỏe học sinh.
10:45 - 28/11/2024
31 lượt xem

Làm sao khẳng định vị thế chứng chỉ ngoại ngữ 'nội'?

Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) cần đổi mới để khẳng định giá trị...
07:39 - 28/11/2024
113 lượt xem

Dự thảo quy chế tuyển sinh mới: Trường ĐH bị tác động mạnh

Dự kiến trong kỳ tuyển sinh ĐH 2025, các trường chỉ được dành không quá 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm khiến nhiều trường rơi vào thế khó.
15:36 - 27/11/2024
498 lượt xem

Giảm áp lực cho giáo viên

Có ý kiến đề xuất cần tránh việc thu nhập của GV lại phụ thuộc vào việc người ấy có tham gia vào nhiều công việc ngoài chuyên môn hay không...
14:20 - 27/11/2024
523 lượt xem

Ấn Độ giải bài toán cử nhân thất nghiệp

Mặc dù, số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tại Ấn Độ cao, chỉ 51,25% trong số họ được coi là có đủ kỹ năng làm việc.
11:14 - 27/11/2024
608 lượt xem