Đã có đến 209 học sinh (Thuận Thành, Bắc Ninh) được phát hiện mắc bệnh sán lợn và sẽ có thể tăng thêm khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ.
Số trẻ em từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn đã giảm, nhưng vấn đề an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học vẫn nóng.
Nghi vấn thịt lợn nhiễm sán tại bếp ăn trường mầm non xã Thanh Khương cũng như 19 trường học khác trên địa bàn huyện Thuận Thành cùng chung đơn vị cung cấp thực phẩm, vẫn chưa có câu trả lời.
Người dân đưa trẻ đi xét nghiệm ấu trùng sán lợn tại Hà Nội.
Sự việc xảy ra từ giữa tháng 2 nhưng đến nay chưa được giải quyết nên người dân càng lo lắng. “Cực chẳng đã”, hàng nghìn gia đình phải bỏ tiền triệu mang con ra Hà Nội xét nghiệm sán. Vậy qua vụ việc này cho thấy điều gì. Câu chuyện trách nhiệm- niềm tin ở đây là vấn đề đáng quan tâm.
Theo phản ánh của nhiều người dân, trong tháng 2 vừa qua, Công ty Hương Thành ở thành phố Bắc Ninh đã 2 lần cung cấp thịt lợn nghi nhiễm sán cho bếp ăn của trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Sau đó thông tin này kèm theo clip xuất hiện trên mạng xã hội khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang.
Nghi vấn thịt lợn nhiễm sán tại bếp ăn trường mầm non xã Thanh Khương cũng như 19 trường học khác trên địa bàn huyện Thuận Thành cùng chung đơn vị cung cấp thực phẩm, vẫn chưa có câu trả lời.
Đến nay, sự việc chưa có câu trả lời rõ ràng từ phía cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh càng khiến hàng nghìn phụ huynh bức xúc vì có con học tại 19 trường mà Công ty Hương Thành cung cấp thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài ở xã Song Liễu và anh Hoàng Công Thức ở xã Xuân Lâm bày tỏ lo lắng: “Khi sự việc xảy ra, gia đình tôi rất hoang mang. Thấy nhiều hộ ở trong xã đưa con đi xét nghiệm và có kết quả dương tính nên rất lo lắng”.
Sau nhiều ngày tụ tập trước cổng trường và chờ đợi nhưng sự việc chưa được kết luận sáng tỏ, người dân đã dần mất niềm tin và và cho rằng những thông tin, bình luận trên mạng xã hội là đúng.
“Gia đình tôi rất lo lắng và bức xúc vì cơ quan chức năng trong xã không có động tĩnh gì. Tôi thấy các phụ huynh khác đi xét nghiệm về và thấy thông tin trên mạng nói có 19 trường bị ảnh hưởng, trong đó có trường con mình nên tôi đưa con đi kiểm tra”, một phụ huynh đưa con đi xét nghiệm nói.
Không biết chuyện gì xảy ra với con em mình sau cánh cổng trường học, nghi vấn càng tăng, người dân càng mong muốn tìm ra bằng chứng khẳng định thực phẩm tại bếp ăn trường mầm non có vấn đề. Vì vậy họ đã tìm đến các cơ sở y tế tuyến cuối.
Người mẹ lo lắng khi đưa con đi xét nghiệm.
Chỉ đến khi hàng nghìn người dân ùn ùn mang con ra Hà Nội xét nghiệm sán dây lợn từ ngày 15/3, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh mới thực sự vào cuộc. Ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết: “Nếu sự việc xảy ra tại trường mầm non Thanh Khương thì tại sao không gọi điện qua đường dây nóng cho cơ quan có thẩm quyền của tỉnh. Chúng tôi vẫn đang chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ hình ảnh đó lấy từ đâu, clip từ đâu, miếng thịt từ đâu. Chúng tôi chỉ đạo thực hiện điều tra khách quan…”.
Vụ việc tại trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành chỉ là một trong rất nhiều lần phụ huynh bức xúc về nguồn thực phẩm trong các trường học và nghi vấn về liên minh “lợi ích nhóm” dẫn đến học sinh có thể phải ăn thực phẩm bẩn, bị ngộ độc hoặc chỉ được ăn vài miếng thịt mỏng như lá lúa.
Luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, những gì diễn ra tại bếp ăn tập thể trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) hay vụ việc tại trường Đoàn Thị Điểm Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên), trường Tiểu học xã Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang và nhiều nơi khác trong thời gian qua có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Bệnh viện quá tải.
Theo quy định, thực phẩm trước khi ra thị trường phải qua rất nhiều khâu kiểm tra, chứng nhận nhưng những vụ việc thực phẩm bẩn đều do người dân phát hiện. Vậy trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu? Cùng băn khoăn này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng.
“Những quy định hiện nay phòng là chính chứ không phải đi kiểm tra là chính Các đoàn kiểm tra thì chỉ một năm kiểm tra một hai lần thôi, làm gì có đủ nhân lực mà kiểm tra nhiều. Điều quan trọng là đã có những quy định rồi. Tại bếp ăn trường học thì hiệu trưởng, đầu bếp và đơn vị cung cấp thực phẩm phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra mất an toàn thực phẩm…”, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh bày tỏ.
Trở lại vụ việc tại Thuận Thành (Bắc Ninh), những nghi vấn về an toàn thực phẩm tại trường học đã dẫn đến một cuộc xét nghiệm sán dây lợn lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng nhu cầu chính đáng của người dân bỗng trở thành cơ hội tăng nguồn thu cho một số cơ sở y tế. Sau khi phát hiện gần 60 trẻ có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với sán dây lợn, chiều ngày 15/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vội vàng tổ chức họp báo.
“Người dân có nhu cầu thì chúng tôi xét nghiệm. Dân yêu cầu thì tại sao lại không làm. Kết quả bước đầu cho thấy 25% số trường hợp xét nghiệm dương tính”, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện cho rằng đây là một thực tế bất thường.
Tới ngày 16/3, khi người dân tiếp tục kéo đến quá đông, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới giải thích, kết quả huyết thanh dương tính chỉ phản ánh trẻ từng nhiễm sán dây lợn, đang có kháng thể chống lại ký sinh trùng, chứ không có nghĩa là trẻ đang có sán dây lợn trong người.
Muốn khẳng định chắc chắn phải làm các xét nghiệm sâu hơn. Lần này, vẫn là ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhưng lại cho rằng tỷ lệ khoảng 12% trẻ em được xét nghiệm dương tính với sán dây lợn là không có gì bất thường.
“Theo tin đồn, mọi người đổ dồn về bệnh viện để khám, xét nghiệm sàng lọc nhưng qua kết quả chúng tôi thu được thì tỷ lệ này không có gì bất thường cả”, ông Nguyễn Văn Kính nói.
Đến thời điểm này, số trẻ em dương tính sán dây lợn vẫn chưa dừng lại nhưng với chi phí xét nghiệm trung bình khoảng 1 triệu đồng/1 trẻ, 02 cơ sở y tế đã thu về hàng tỷ đồng. Niềm tin của người quê Thuận Thành một lần nữa bị lung lay khi biết chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm, còn cơ sở xét nghiệm “lập lờ nước đôi”./.
Theo Văn Hải/VOV1