Theo các chuyên gia, Hà Nội vẫn có nhiều ngày chất lượng không khí ở mức xấu. Bụi PM 2.5 luôn ô nhiễm cao nhất trong không khí.
Theo báo cáo của World Air Report 2018, trong số hơn 3000 thành phố (xếp hạng theo mức độ ô nhiễm bụi PM 2.5), thành phố Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 209 trên toàn thế giới. Trong khi đó, TP. HCM xếp thứ 15 trong khu vực và đứng thứ 455 so với trên thế giới.
Hà Nội có tới 88 ngày/năm chất lượng không khí vượt quy chuẩn.
Báo cáo của Trung tâm quan trắc Môi trường Quốc gia cho biết, bụi PM 2.5 luôn ô nhiễm cao nhất trong không khí. Hà Nội vẫn có nhiều ngày chất lượng không khí ở mức xấu tại hầu hết các trạm quan trắc. Các vị trí có mức độ ô nhiễm cao nhất thường gần các trục đường giao thông chính (đường Minh Khai, Phạm Văn Đồng).
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, giờ cao điểm giao thông có mức độ ô nhiễm cao hơn so với các khoảng thời gian còn lại nhưng mức độ chênh lệch không quá lớn.
Giờ cao điểm giao thông có mức độ ô nhiễm cao hơn so với các khoảng thời gian còn lại.
“Tại trạm quan trắc đo ở Đại sứ quán Mỹ, chúng tôi thấy có tới 88 ngày là vượt quy chuẩn quốc gia Việt Nam. Những khu vực khác khá tương đồng, chỉ có tại Đống Đa, Hai Bà Trưng có nồng độ bụi mịn thấp hơn nơi khác”- bà Khanh cho biết.
Bà Ngụy Thị Khanh cũng cho biết, khảo sát của GreenID cuối năm 2017, đầu năm 2018 cho thấy, 99% người dân quan tâm tới chất lượng không khí, chỉ có 4% hài lòng về chất lượng không khí. “Nhận thức về ô nhiễm không khí đã được cải thiện rõ rệt trong 2 năm qua. Gần đây, người dân đã biết và tự trang bị cho mình những biện pháp cơ bản để bảo vệ sức khỏe”- bà Khanh nói.
Mối đe dọa nghiêm trọng ở Việt Nam
Phát biểu tại buổi tọa đàm về chất lượng không khí, diễn ra ngày 13/3, tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cảnh báo, ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng, gây ra nhiều trường hợp tử vong trước tuổi ở Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink.
Vị Đại sứ này chia sẻ, thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) là một trong những khu vực có vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, họ có các thiết bị thu thập dữ liệu về chất lượng không khí để cảnh báo cho người dân. “Một người bạn của tôi đã từng băn khoăn về chất lượng không khí ở Hà Nội năm 2017, mức độ ô nhiễm cao gấp 4 lần so với giới hạn tiêu chuẩn cho phép trên thế giới”- Đại sứ Daniel nói.
Để thực hiện quan trắc chất lượng không khí ở Việt Nam, Hoa Kỳ đã lắp đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ một thiết bị đo đạc, kiểm soát chất lượng không khí 24/24h. “Chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ở Hoa Kỳ, có hướng dẫn về giảm phát thải khí nhà kính, bỏ các nhà máy phát điện than. Hiện, chúng tôi có một số dự án hỗ trợ Việt Nam kiểm soát chất lượng không khí; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật để đưa ra những phương án đúng đắn đảm bảo loại bỏ ô nhiễm không khí ở Việt Nam”- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết.
Bụi mịn PM 2.5 gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, cán bộ dự án của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, cơ quan điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam cho biết, bụi mịn PM 2.5 (có kích thuốc 1/30 sợi tóc) là nguy cơ chính gây tác hại tới sức khỏe qua đường hô hấp, niêm mạc, tiêu hóa... gây viêm phế quản, viêm phổi, viêm phổi tắc nghẽn, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, giảm trí nhớ, ung thư...
Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, cần thiết lập hệ thống giám sát ô nhiễm không khí tại cộng đồng để thông tin cho người dân hàng ngày, giúp họ có biện pháp dự phòng, như đeo khẩu trang hoặc không tổ chức các sự kiện ngoài trời. Đồng thời thực hiện các nghiên cứu thu thập bằng chứng về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tại những khu vực bị ô nhiễm do phát thải của nhiệt điện than, nhà máy sản xuất công nghiệp phục vụ vận động chính sách.
Bà Hạnh cũng cho biết, để hoàn thiện chính sách đảm bảo các khu công nghiệp phải tuân thủ đánh giá tác động sức khỏe, hiện Trung tâm đang đề xuất phối hợp với Bộ Y tế xây dựng đánh giá tác động sức khỏe tại các khu vực trước và trong khi có các dự án triển khai./.
Theo Thy Hạt/VOV.VN