GS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên ĐH GTVT Hà Nội - cho rằng, không nên cấm xe máy toàn tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi bởi đó là tuyến đường độc đạo, xuyên tâm có mật độ phương tiện lớn, nếu cấm ngặt đường này, thì rất dễ dẫn đến ùn tắc đường còn lại.
>>Toàn cảnh hai tuyến đường Hà Nội đang xem xét thí điểm cấm xe máy
>>Xe máy “lèn chặt” trên tuyến đường Hà Nội dự định... cấm xe máy
Để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ không chờ đến năm 2030 mới cấm đồng loạt xe máy trong nội thành mà TP sẽ làm từng bước, chọn những tuyến phố thích hợp như Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để cấm trước.
Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) nhận định, rất có thể khi cấm tuyến đường này thì xe máy sẽ đồng loạt tràn sang tuyến đường còn lại. Do vậy, ngành giao thông Hà Nội sẽ có những tính toán kỹ, đưa ra sơ đồ, hướng dẫn người dân không có nhu cầu đi xe buýt, tàu điện và vẫn sử dụng xe máy đi lại một cách thuận tiện.
“Giao thông phục vụ tất cả mọi người, khi hạn chế xe cá nhân tức là ưu tiên vận tải công cộng. Tuy nhiên, một số ít người còn lại vẫn sử dụng xe máy thì họ được lựa chọn đi lại thế nào? Khi tuyến đường này bị hạn chế xe máy thì họ phải có hành lang khác để đi, dù khó khăn hơn, mất thời gian hơn cũng phải chấp nhận lựa chọn”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, khi hạn chế xe máy ở tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương thì TP phải tổ chức giao thông ở hành lang còn lại không bị cấm. Bởi nếu không tổ chức lại giao thông, người điều khiểu phương tiện đi lại tự do thì ùn tắc còn khó lường hơn.
Theo các chuyên gia Hà Nội nên thí điểm cấm xe máy tuyến đường trung tâm TP, rồi mới mở rộng ra bên ngoài. (Ảnh: Toàn Vũ)
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội - ông Bùi Danh Liên nhận định chủ trương cấm xe máy hoạt động trong nội thành là đúng. Ông Liên cho rằng, về nguyên tắc thường cấm xe máy trong tuyến phố trung tâm trước, rồi sau đó mới mở rộng ra bên ngoài. Tuy nhiên, trên cơ sở tuyến xe buýt nhanh và đường sắt trên cao, TP Hà Nội có thể tính toán làm trước trên trục đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương.
Ông Liên cho rằng, việc lựa chọn tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương cần phải cân nhắc kỹ vì đây là hai trục đường hướng tâm có mật độ giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc. Do vậy, bên cạnh việc cấm xe máy hoạt động trên một trong hai tuyến đường này thì TP cần có những giải pháp để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và tổ chức lại giao thông cho hợp lý.
“Đây là tuyến đường hướng tâm, nêu cấm một trong hai tuyến đường này, xe máy sẽ tràn sang đường kia. Nếu để tình trạng như vậy xảy ra, mà tổ chức giao thông không hợp lý thì ùn tắc giao thông còn nghiêm trọng hơn”, ông Liên nói.
Giải pháp được ông Liên gợi ý đó là TP nên làm dải phân cách mềm trên tuyến đường không cấm xe máy. Trong khung giờ cao điểm, dải phân cách này có thể mở rộng theo hướng người dân đi vào, đi ra một cách thuận tiện nhất. Ngoài ra, TP cần phải tăng cường phương tiện giao thông công cộng, vận động người dân sử dụng. Bên cạnh đó cũng phải hạn chế ô tô cá nhân. Bởi rất có thể nếu cấm xe máy thì người dân sử dụng ô tô đi lại nhiều hơn.
Cùng vấn đề trên, theo GS Từ Sỹ Sùa - giảng viên trường Đại học GTVT Hà Nội, TP nên chọn một tuyến phố trung tâm làm thí điểm cấm xe máy. Bởi các tuyến phố bàn cờ trong trung tâm như ở quận Hoàn Kiếm dễ tổ chức lại giao thông hơn là tuyến Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương có mật độ giao thông lớn.
GS Sùa cho rằng, nếu TP chọn tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi cấm xe máy thì nên chọn từng đoạn đường phù hợp, chứ không nên cấm ngặt toàn tuyến. Bởi đây là tuyến đường xuyên tâm, có tỷ lệ người sử dụng xe máy rất lớn. Do vậy, khi cấm xe máy thì phải có giải pháp thay thế và phương án tổ chức lại giao thông tuyến đường còn lại cho phù hợp.
“Chủ trương như hiện nay là đúng, nhưng giải pháp cấm toàn tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi là không được vì nó là đường xuyên tâm, độc đạo. Giả sử nếu TP cấm ngay thì chắc chắn hạ tầng giao sẽ quá tải, dân đi vào đâu được?”, ông Sùa băn khoăn.
Theo Quang Phong/Dân trí