Trước tình trạng một số cá nhân tung thông tin không đúng sự thật về dịch tả lợn Châu Phi, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi, phá hoại kinh tế..., Bộ NNPTNT đã chính thức có văn bản gửi Bộ Thông tin truyền thông yêu cầu xử lý.
Hình ảnh lợn bị dịch tả lợn Châu Phi nhìn rất đáng sợ. Tuy nhiên, dịch bệnh này không lây
Ngày 8.3, tại văn bản số 1669/BNN-VP do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến ký, Bộ NNPTNT khẳng định: Những thông tin đăng tải về dịch tả lợn Châu Phi trên là hoàn toàn bịa đặt sai sự thật.
Văn bản Bộ NNPTNT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý các trang mạng đưa tin sai sự thật về bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Nội dung văn bản số 1669 nhấn mạnh: Hình ảnh và thông tin mà trang mạng Đầm bầu thời trang Mami đăng tải là sai sự thật. Điều đáng nói là sau các thông tin bịa đặt, fanpage này còn kêu gọi người tiêu dùng "tẩy chay thịt lợn".
Tuy nhiên, khi kiểm tra và xác minh, các ảnh trên ảnh fanpage này là lấy lại từ nhiều báo điện tử. Đây là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11.2018.
Ngay sau khi trang mạng này chia sẻ thông tin, đã thu hút hàng nghìn lượt like và chia sẻ. Nhiều tương tác "thêm dấm thêm ớt" đã xuyên tạc hoàn toàn về tình trạng dịch tả lợn Châu Phi hiện nay.
Thực tế kết quả nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học quốc tế cũng đã đưa ra thông tin: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người.
Để công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi đạt hiệu quả, đúng yêu cầu, vừa bảo vệ sản xuất, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để ránh gây hoang mang dư luận xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hỗ trợ Bộ NNPTNT, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20.2.2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo KH.V/Lao động