Làn sóng tẩy chay thịt lợn sẽ khiến cho ngành nông nghiệp điêu đứng. Trong khi đó, các chuyên gia y tế dự phòng khẳng định, bệnh tả lợn Châu Phi không có khả năng lây sang người.
Người dân không nên tẩy chay thịt lợn giữa "bão" dịch tả châu Phi
Theo Bộ NNPTNT, tính đến thời điểm này, đã có 8 tỉnh, thành bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, và mới nhất là Hòa Bình. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 4.200 con lợn.
Trước tình hình trên, người dân hoang mang, không ít người chọn cách tẩy chay thịt lợn vì lo sợ dịch bệnh sẽ lây lan sang người. "Từ hôm có thông tin bệnh tả lợn Châu Phi tràn vào Việt Nam, gia đình tôi nói không với thịt lợn, chỉ ăn cá, gà và các loại thịt khác. Các sản phẩm có chứa thịt lợn cũng không dám ăn"- chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội) chia sẻ.
Trên các diễn đàn về thực phẩm, nhiều bà nội trợ cũng chia sẻ tâm lý e ngại và lo lắng khi dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, thậm chí có trường hợp, cả gia đình họ không dám ăn thịt lợn đã gần 2 tuần nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế dự phòng khẳng định, người dân không nên hoang mang, không nên tẩy chay thịt lợn. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Dịch tả lợn Châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn”.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.
"Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người", ông Phu cho hay.
Ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNN cho hay virus tả lợn Châu Phi sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày... Bệnh này có đến 22 chủng virus, có cấu trúc ADN tương đối hoàn thiện và phức tạp, chính vì thế, dịch bệnh xảy ra từ năm 1921 đến nay những vẫn chưa có vắc xin hay thuốc để chữa. Biện pháp phòng trừ tổng hợp thôi, đặc biệt là nâng cao an toàn sinh học.
Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém. Theo nghiên cứu của tạp chí Vi sinh học Thú y (Veterinary Microbiology - Thụy Sĩ), virus này tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.
Theo ông Tống Xuân Chinh, dịch bệnh này hết sức nguy hiểm, lợn bệnh chết gần 100%, gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, bệnh này lại không lây nhiễm từ vật nuôi sang người.
"Chúng tôi cảnh báo người dân không nên tẩy chay các sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc, có địa chỉ, đảm bảo tính thương mại của nó. Bà con vẫn ăn thịt lợn bình thường nhưng không nên ăn thức ăn chưa nấu chín như nem, chạo, tiết canh... Thịt lợn cần được nấu chín trước khi ăn"- ông Chinh cảnh báo.
Theo Thùy Linh/Lao động