TPHCM yêu cầu các lò mổ ngưng nhận lợn từ các tỉnh phía Bắc mà chỉ nhận lợn từ các vùng an toàn như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Vận chuyển lợn trái phép sẽ khiến dịch tả lợn châu Phi tăng nhanh.
Sáng 5.3, UBND TPHCM họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội tháng 2 năm 2019. UBND TPHCM đã dành nhiều thời gian để nghe các đơn vị thông tin về biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.
Ông Phạm Thành Kiên – GĐ Sở Công thương TPHCM cho rằng, ngoài việc ngăn chặn dịch bệnh thì phải đảm bảo nguồn hàng thịt lợn cung cấp cho TPHCM. Vì vậy Sở đã phối hợp với các sở ngành liên quan làm việc với ba đơn vị để nghe các giải pháp cung cấp thịt lợn cho TPHCM.
Theo đó, Công ty Vissan đã thu mua thịt lợn dự trữ để đảm bảo cung ứng hàng và tìm nguồn lợn an toàn nước ngoài để nhập khẩu.
Với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagrico), nơi đây cũng đã chuẩn bị các phương án về con giống sạch trong trường hợp đàn lợn bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
“Ngoài ra, TPHCM còn làm việc với một số doanh nghiệp cung cấp trứng, thịt gà để trong trường hợp thịt heo không có đủ nguồn cung an toàn thì có thịt gia cầm bổ sung kịp thời” – ông Kiên nói.
Trong khi đó, GĐ Sở NNPTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung cho biết, hiện TPHCM chưa nhận nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc có dịch bệnh nhưng vẫn "giả định" đã tiếp nhận để có biện pháp phòng ngừa kỹ lưỡng hơn, ứng phó mạnh hơn.
Hiện TPHCM đang kiểm soát chặt tại các trạm đầu mối, trục giao thông chính đi các tỉnh và các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối.
"Vừa qua phát hiện 300 con lợn từ Đông Hưng (Thái Bình – 1 tỉnh có dịch) chuyển qua TPHCM về Vĩnh Long, nhưng khi kiểm tra thì Vĩnh Long cho biết không tiếp nhận số lợn này, do vậy không loại trừ được giết mổ lậu ở nơi khác- trong đó có TPHCM" – ông nói.
Theo ông Trung, thành phố đã yêu cầu các lò mổ ngưng nhận lợn từ các tỉnh phía Bắc, chỉ nhận từ vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. "Các lò mổ đã cam kết và qua kiểm tra cũng không thấy nên tương đối yên tâm" – ông Trung cho biết thêm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, việc giá lợn chênh lệch giữa hai miền Nam – Bắc (nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc có giá thành rẻ hơn khi có dịch bệnh), hơn nữa TPHCM là thị trường mở nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bà Lan cũng khẳng định bệnh này không lây cho người mà chỉ lây lan ở heo. "Nhưng 100% con lợn nhiễm bệnh thì chắc chắn chết. Nếu heo bị bệnh, bà con tiếc đem giết mổ thì khả năng nhiễm bệnh rất cao bởi virus dịch tả này có thể tồn tại 1.000 ngày dưới dạng đông lạnh, thịt nguội…" – bà Lan nói và cho rằng giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn là rất quan trọng.
Theo M.Q/Lao động