3.000 phóng viên quốc tế đến tham dự và đưa tin về sự kiện Mỹ - Triều. Mỗi phóng viên là một sứ giả truyền thông về đất nước, con người Việt Nam nên ngành du lịch mở tour miễn phí chiêu đãi khách quý.
Quảng bá tại chỗ ít tốn kém
Chưa bao giờ, du lịch Việt Nam đứng trước cơ hội vàng để quảng bá như vậy khi 3.000 phóng viên quốc tế đến tham dự và đưa tin về Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, tại Hà Nội từ 27-28/2.
Tại cuộc họp báo “Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, Cơ hội cho du lịch Việt Nam”, diễn ra chiều 25/2, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho hay, đây là sự kiện có tầm vóc toàn cầu, có sự ảnh hưởng to lớn với toàn thế giới nên là cơ hội lịch sử để du lịch Việt Nam quảng bá một cách nhanh nhất hình ảnh đất nước tươi đẹp, hấp dẫn, con người thân thiện mến khách.
Điều quan trọng nhất là cuộc gặp mang đến cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam trong việc quảng bá tại chỗ, bởi cùng với phái đoàn cấp cao của Mỹ, Triều Tiên, khoảng 3.000 phóng viên các hãng truyền thông, báo chí đến Việt Nam để ghi hình, đưa tin về sự kiện và muôn màu cuộc sống, kinh tế - xã hội, văn hóa và lịch sử Hà Nội cũng như Việt Nam. Hình ảnh về điểm đến, thông tin chia sẻ về dịch vụ, sản phẩm du lịch sẽ theo chân các phóng viên lên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội, trang tin cá nhân, truyền tải thông tin đến đông đảo bạn đọc.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc công ty du lịch TransViet, nhận xét, trước sự kiện lớn như vậy, thay vì mất nhiều tiền để mời các hãng thông tấn đến Việt Nam, bao vé máy bay ăn ở cho họ thì nay, với 3.000 phóng viên quốc tế đã tới Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Hiệp Hội du lịch, các đơn vị lữ hành và điểm đến cùng phối hợp chung tay thì chỉ mất ít chi phí mà có thể lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra toàn thế giới.
Ngoài ra, theo ông Đạt, yếu tố quan trọng nhất là con người. Trong thời gian diễn ra hội nghị, ngành du lịch và Hà Nội không chỉ giữ gìn đường phố xanh sạch đẹp và tỏ lòng mến khách, mà tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đeo bám, chặt chém khách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phục vụ du khách là các phóng viên quốc tế của ngành du lịch (ảnh Tiền phong)
Để tiếp đón khách chu đáo, đến nay, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tạo một không gian quảng bá du lịch Việt Nam tại trung tâm báo chí, rộng hàng nghìn m2 ở Cung Hữu nghị Hà Nội. Các phóng viên có thể tiếp cận đa chiều về du lịch Việt Nam thông qua các clip quảng bá, tờ rơi, đường dẫn đến trang web du lịch,... Những món quà lưu niệm như nón lá, tranh Đông Hồ, chú Tễu,... cũng được chuẩn bị để tặng cho tất cả phóng viên.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, cho hay, từ trước đó, Hiệp hội đã thông tin cho các thành viên ở tất cả các địa phương cùng phối hợp tổ chức, khai thác giá trị từ cuộc gặp gỡ lịch sử. Tới nay, hàng trăm hướng dẫn viên tự nguyện đăng ký tham gia sự kiện, hay Hội đầu bếp có cơ hội thể hiện tài năng để quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Đặc biệt, sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, sẽ có những chương trình quảng bá du lịch Việt Nam sử dụng các thông tin, sự kiện liên quan đến sự kiện. “Thông tin về cuộc gặp sẽ trở thành một điểm nhấn, một nội dụng khắc sâu, gợi nhớ ấn tượng về một Việt Nam mới, về một đất nước đáng để ghé thăm, để trải nghiệm”, ông Siêu nói.
Mở tour chiêu đãi khách quý
Ông Vũ Thế Bình cho hay, xác định mỗi phóng viên là một sứ giả truyền thông về đất nước, con người Việt Nam nên ngành du lịch mở tour miễn phí chiêu đãi khách quý.
Có nhiều DN đăng ký tham gia nhưng Hiệp hội Du lịch Việt Nam chỉ định 2 đầu mối, đó là Công ty du lịch Hanoitourist và Saigontourist. Đây là các tour được thiết kế riêng cho phóng viên tham dự sự kiện. Các DN khác cũng có thể tham gia, nếu phóng viên có nhu cầu riêng, ngoài chương trình hiệp hội sẽ liên lạc với DN để được hỗ trợ.
Cụ thể, các tour được thiết kế trong ngày, chỉ từ 2-4 tiếng, với các địa điểm tại và gần Hà Nội, cho các nhóm từ 20-35 khách. Các phóng viên có thể đăng ký tham gia tour city, tour chụp ảnh, tour tìm hiểu bảo tàng, tour nếm thử cà phê Hà Nội, tour làng cổ Đường Lâm, làng nghề Bát Tràng, Tràng An - Bái Đính hay Hạ Long,...
Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, trong khoảng thời gian ngắn nhất, công ty đã kết hợp với ngành du lịch đem đến cho khách quý những thông tin, hình ảnh, giá trị văn hóa, lịch sử, đất nước, con người bao gồm cả âm thực để bạn bè hiểu nhiều nhất, đúng nhất về Việt Nam.
“Chỉ cần có thẻ nhà báo quốc tế, các phóng viên có thể đăng ký các tour miễn phí trên. 10 phút sau, sẽ có xe đưa đón đi tham quan”, ông Vũ Thế Bình nói. Nếu phóng viên nào nhiều thời gian hơn có thể trải nghiệm tour cả ngày, các DN lữ hành và các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh đã sẵn sàng đón tiếp.
Các phóng viên quốc tế được tham quan city tour miễn phí trên xe buýt 2 tầng
Ông Hà Văn Siêu khẳng định, Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu tất cả các cơ sở cần nêu cao tinh thần phục vụ an toàn, thân thiện, chuẩn bị mọi thứ tốt nhất; không để xảy ra chuyện chèo kéo, chặt chém khách - những hạt sạn cần phải loại bỏ. Ông Siêu cũng tin tưởng không có chuyện như vậy xảy ra trong những ngày này.
Còn theo thông tin ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), nắm được, trong số 3000 phóng viên đến Việt Nam đưa tin lần này, có trên dưới 50% là các phóng viên đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... Ông Đức nhận xét, đây cũng chính là thị trường du lịch trọng điểm Việt Nam đang hướng tới (năm 2018, Trung Quốc dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam, Hàn Quốc xếp thứ 3, Mỹ xếp thứ 10,... ) các thị trường này chiếm 70% lượng khách quốc tế vào Việt Nam.
“Mục tiêu của ngành du lịch là tăng trưởng hai con số, lượng khách quốc tế từ 15,5 triệu lượt năm 2018 lên 18 triệu lượt năm 2019. Như vậy, 2,5 triệu lượt cần thu hút này trong năm nay ở đâu ra, đó chính việc chúng ta là tập trung quảng bá thu hút khách từ các thị trường trọng điểm trên”, ông Đức nói.
Theo Ngọc Hà/ Vietnamnet