Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thừa nhận, trong những năm gần đây, tại một số chùa, cách tổ chức nghi lễ cầu an dịp đầu Xuân có sự sai lệch.
Do không thể chen chân vào trong khu vực làm lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tối 12/2 nên nhiều người đã đứng ngoài đường hoặc lên cầu vượt Ngã Tư Sở vái vọng. (Ảnh: Vietnam+)
Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni, nhất là lãnh đạo giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu Xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Công văn số 033/CV-HĐTS của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho các Phật tử và nhân dân tại các chùa dịp đầu Xuân.
Công văn nêu rõ, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người. Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của nhân loại, chỗ dựa tinh thần tâm linh cho con người. Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho người dân là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.
Tuy nhiên, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng thừa nhận, trong những năm gần đây, tại một số chùa, cách tổ chức nghi lễ cầu an có sự sai lệch. Việc dâng sao giải hạn cũng được tổ chức tại nhiều ngôi chùa.
“Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã đã dùng phương pháp tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp,” công văn do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký nhấn mạnh.
Trước đó, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã có Công văn số 73/VHCS-NSVH (gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương), yêu cầu có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đầu Xuân.
Một trong những hiện tượng tiêu cực đó là biến tướng trong hoạt động dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi. Những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi, nhiều di tích, điểm thờ tự… liên tục ở trong tình trạng quá tải do lượng người đến làm lễ dâng sao giải hạn quá lớn. Ví dụ như, tối 12/2 (tức mùng 8 tháng Giêng), hàng ngàn người đã đổ về chùa Phúc Khánh (Hà Nội) dự lễ cúng giải hạn sao, xếp hàng dài từ sân chùa ra khu vực quanh cầu vượt Ngã Tư Sở, gây mất an toàn giao thông…
Để khắc phục những biến tướng trong việc thực hành những nghi lễ, tập tục truyền thống, lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, các cơ quan quản lý, nhà văn hóa… cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa thực sự, tránh sự lệch lạc khi thực hành./.
Theo An Ngọc (Vietnam+)